Nhiều nước ghi nhận vaccine Sinovac hiệu quả thấp
Biến thể Delta trở thành biến thể phổ biến ở Singapore kể từ khi một nhóm nhiễm được xác định ở sân bay hồi tháng 5. Chính phủ Singapore sau đó tái áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn, dù hiện nay đã nới lỏng một số biện pháp đó.
Tính đến nay đã có 3,7 triệu người ở Singapore được tiêm ít nhất một liều vaccine do công ty Pfizer hoặc Moderna (Mỹ) bào chế và gần 2,2 triệu người đã tiêm đầy đủ 2 liều. Singapore đặt mục tiêu đến ngày 9.8, khoảng 2/3 dân số sẽ được tiêm đầy đủ.
Singapore bắt đầu cho các phòng khám tư cung cấp dịch vụ tiêm vaccine Covid-19 Sinovac từ giữa tháng 6, theo sau việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê chuẩn cho việc dùng khẩn cấp. Tính đến ngày 3/7, có hơn 17.000 người nhận tiêm một liều vaccine Covid-19 Sinovac và giới chức cho hay nhu cầu tiêm vaccine này của Trung Quốc sau đó giảm dần.
Hồi tháng trước, giám đốc phụ trách các dịch vụ y tế thuộc Bộ Y tế Singapore Kenneth Mak nói rằng bằng chứng từ những nước khác cho thấy những người được tiêm vaccine Covid-19 Sinovac vẫn bị nhiễm.
Giới chức Singapore mới đây cho rằng những người tiêm vaccine Sinovac nên được xét nghiệm Covid-19 trước khi dự một sự kiện hoặc đến một nơi nào đó, không giống những người đã được tiêm vaccine theo chương trình quốc gia.
Chính phủ Thái Lan đã thừa nhận một biên bản trong đó các quan chức ngầm cho rằng vaccine Covid-19 của Trung Quốc không hiệu quả. Một tài liệu của Bộ Y tế Thái Lan đã bị rò rỉ và lan truyền nhanh chóng trên mạng từ ngày 4/7. Theo tờ Bangkok Post, tài liệu này là biên bản cuộc họp của 3 Ủy ban thuộc Bộ Y tế về phòng chống dịch và nghiên cứu, quản lý tiêm chủng.
Cuộc họp diễn ra vào ngày 30/6 tại trụ sở Cục Kiểm soát dịch bệnh tại Bangkok trong đó, các quan chức bàn bạc phương án phân phối vaccine Covid-19 của Pfizer, với 1,5 triệu liều sẽ đến trong tháng 7 và 20 triệu liều trong Quý 4/2021.
Nội dung này gây bất ngờ vì kế hoạch mua 20 triệu liều đã được thông báo nhưng việc tiếp nhận 1,5 triệu liều trong tháng 7 lại hoàn toàn không được biết đến.
Theo biên bản cuộc họp, một trong những vấn đề được bàn bạc là tiêm vaccine cho nhóm đối tượng nào trong 3 nhóm: người từ 12-18 tuổi; người có nguy cơ như người già, mắc bệnh nền và phụ nữ mang thai; và nhân viên y tế (đã tiêm 2 liều).
Có 16 ý kiến được ghi lại và ý kiến gây tranh cãi nhiều nhất nói rằng: “Ở thời điểm hiện tại, nếu vaccine Pfizer được tiêm cho nhóm thứ ba, điều đó giống như thừa nhận rằng vắc xin Sinovac không mang lại sự bảo vệ nào”.
Theo Bangkok Post, nhân viên y tế là nhóm người được tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên tại Thái Lan và hầu hết đều tiêm Sinovac của Trung Quốc, thời điểm mà nước này chỉ mới nhận 117.000 liều AstraZeneca nhập từ Hàn Quốc.
Từ khi biến chủng Delta xuất hiện, đã có nhiều báo cáo về việc các nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, thậm chí nguy kịch và tử vong. Do đó, các bệnh viện tại Thái Lan đã kêu gọi tiêm nhắc liều thứ ba bằng vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA (Pfizer, Moderna) cho nhân viên y tế.
Cộng đồng mạng Thái Lan đã nổi sóng sau khi tài liệu này được phát tán và kêu gọi tiêm vaccinen mRNA cho nhân viên y tế.
Bộ trưởng Y tế công cộng Anutin Charnvirakul ngày 5/7 thừa nhận biên bản này là thật nhưng nhấn mạnh chưa có quyết định nào được đưa ra.
Bà Novilia Sjafri Bachtiar, nhà khoa học dẫn đầu chương trình thử nghiệm vaccine Sinovac của Trung Quốc ở Indonesia, đã qua đời vì nghi mắc Covid-19, theo báo The Jakarta Post hôm 8.7. Cái chết của bà Novilia xảy ra trong lúc số ca tử vong vì dịch Covid-19 tăng cao kỷ lục ở Indonesia, một trong những nước tiêm phòng rộng rãi vaccine của Trung Quốc từ đầu.
Tờ Kompas đưa tin bà Novilia, mới hơn 50 tuổi, qua đời trong lúc được điều trị Covid-19 tại bệnh viện ở Bandung, tỉnh West Java.
Bà Novilia là nhà khoa học trưởng, dẫn đầu hàng chục thí nghiệm lâm sàng của hãng BioFarma, bao gồm các dự án hợp tác vaccine với Sinovac. BioFarma đã xuất xưởng số vaccine đủ tiêm cho hàng chục triệu người ở quốc gia Đông Nam Á.
Theo Reuters, việc các nhân viên y tế mắc bệnh và tử vong vì Covid-19 dù được tiêm vaccine Trung Quốc đã làm tăng thêm hoài nghi về hiệu quả của vắc xin Trung Quốc trong việc giảm số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19.
Số liệu của tổ chức Lapor COVID-19 ghi nhận 131 nhân viên y tế Indonesia, đa số được tiêm vaccine Sinovac, đã tử vong kể từ tháng 6, trong đó 50 trường hợp vào tháng 7.
Đ.L