Nhiều tín hiệu khả quan trong cuộc chiến chống ung thư vú
Y học đã có nhiều bước tiến mới trong việc phát hiện sớm và điều trị căn bệnh ung thư vú nguy hiểm ở phụ nữ.
Trong một công trình nghiên cứu mới công bố trong tuần (22/7), các nhà khoa học tại Trung tâm Ung thư quốc gia Singapore đã phát hiện một loại gen có tên gọi MED12, xuất hiện phổ biến ở các khối u vú lành (còn gọi là fibroadenoma) thường gặp nhất ở phụ nữ. Đây được đánh giá là phát hiện quan trọng khi nó có thể giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác u lành và u ác tính.
Hình ành gien MED12
Nghiên cứu cho thấy gen MED12 có mặt trong gần 60% các khối u vú lành. Vì thế, chỉ cần kiểm tra loại gen này của bệnh nhân trong các mẫu xét nghiệm là phân biệt u lành với u gây ung thư. Trước đó, đây là thách thức đối với các bác sĩ lâm sàng, bởi ngay cả đối với mẫu xét nghiệm sinh thiết, lượng mô vú thu được cũng không đủ để thể hiện tình trạng của toàn bộ khối u. Theo thống kê, mỗi năm tại Singapore, có khoảng 3.000 trường hợp phát triển gen fibroadenoma được ghi nhận.
Giáo sư Tan Puay Hoon - Trưởng khoa Bệnh lý học thuộc Bệnh viện đa khoa Singapore cho rằng, việc bổ sung thao tác kiểm tra gen MED12 trong chẩn đoán u vú có thể giảm khả năng phải phẫu thuật cũng như chi phí điều trị nội trú, thậm chí có thể không cần tới các biện pháp chẩn đoán khác, giúp giải tỏa tâm lý lo lắng của bệnh nhân.
Trong một nỗ lực để tầm soát ung thư vú, Singapore cũng đã thành lập ngân hàng tế bào ung thư vú đầu tiên của nước này. Đại diện của Viện Khoa học Ung thư Singapore (CSI) thuộc Trường đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết, ngân hàng tế bào ung thư vú Singapore sẽ lưu trữ các dòng tế bào biểu mô của bệnh nhân tại Singapore. Nguồn tế bào này sẽ được dùng cho công tác nghiên cứu ung thư ở tất cả các trung tâm liên quan tại Singapore và các nước khác trong khu vực. Các hoạt động nghiên cứu sẽ xác định phương thuốc có khả năng khắc phục những hạn chế hiện nay, để từ đó tăng khả năng điều trị bệnh nhân ung thư vú.
CSI đặt mục tiêu tới năm 2015 sẽ tập hợp được 25 mẫu tế bào ung thư điển hình và phát triển ngân hàng này thành cơ sở nghiên cứu của các nhà khoa học và các bác sĩ điều trị, không chỉ ở Singapore mà còn ở các nước khác trên toàn thế giới.
Hình ảnh khối u đo theo centimet
Liên quan tới cuộc chiến chống căn bệnh nguy hiểm này, các nhà khoa học Mỹ cũng đã phát hiện 17 loại hóa chất có nguy cơ gây ung thư vú cao, trong đó có chất benzene và butadiene có trong khí thải từ động cơ ôtô và xe máy, khói thuốc lá và khói từ thức ăn bị cháy; các dung dịch tẩy rửa như methylene chloride; một số chất chống cháy; hóa chất trong ngành dệt chống bẩn và thậm chí là chất khử trùng có trong nước uống. Theo các nhà khoa học, những chất độc hại trên xuất hiện phổ biến trong cuộc sống hàng ngày và những người thường xuyên tiếp xúc với chúng có nhiều khả năng mắc ung thư vú.
Thống kê công bố trên tạp chí “Triển vọng Sức khỏe môi trường” số ra mới đây cho biết tỷ lệ người mắc ung thư vú đang gia tăng nhanh trên toàn cầu. Theo dự báo, mỗi năm trên thế giới có khoảng 12 triệu trường hợp mắc ung thư, trong đó có 1,4 triệu ca là ung thư vú, có 450.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra cảnh báo nếu không kịp thời tăng cường các biện pháp phòng ngừa, chẩn đoán sớm và thay đổi lối sống phù hợp thì đến năm 2025, cả thế giới sẽ có 19 triệu phụ nữ mắc bệnh ung thư vú. Do đó, việc phát hiện sớm và điều trị căn bệnh nguy hiểm này sẽ có ý nghĩa rất lớn.
Liệu pháp hiệu quả được các chuyên gia khuyến cáo hiện nay để phòng tránh căn bệnh ung thư vú, đó là phụ nữ cần duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên và giảm đồ uống có cồn. Kết quả 26 nghiên cứu từ Mỹ, châu Âu và châu Á đã phát hiện bổ sung 0,1g hay 0,1% năng lượng mỗi ngày từ nguồn axít béo omega-3 có trong cá có thể giảm 5% nguy cơ ung thư vú. Xét tổng thể, nguồn cung cấp axít béo này giúp giảm 14% nguy cơ ung thư vú. Để đạt mức này, mỗi tuần phụ nữ nên ăn 1 - 2 khẩu phần cá nhiều tinh dầu như cá hồi, cá ngừ hay cá mòi.
Nhật Quang (Science, Environmental Health Perspectives, The New Zealand Herald)