Phát động Dự án truyền thông “Một Sức khỏe” tại Việt Nam
Dự án hướng tới mục tiêu trang bị cho các nhà báo, chuyên gia truyền thông ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Philippines những kiến thức, kỹ năng cần thiết để sản xuất và phổ biến thông tin về cách tiếp cận "Một Sức khỏe." Từ đó, các nhà báo, cơ quan truyền thông hiểu, giải thích và truyền đạt vấn đề sức khỏe và môi trường đến công chúng một cách rộng rãi hơn.
Tại Việt Nam, Dự án truyền thông Một Sức khỏe được khởi động thông qua Hội thảo "Nâng cao nhận thức về Một Sức khỏe," do CFI phối hợp với Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp Pháp (CIRAD) tổ chức.
Về cách tiếp cận "Một Sức khỏe", ông Gilles Angles, tùy viên hợp tác y tế thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam nói: Sức khỏe con người có mối liên hệ chặt chẽ với sức khỏe động vật, vấn đề thực phẩm và môi trường. "Một Sức khỏe" là giải pháp phối hợp đa ngành: y tế, thú y và môi trường để đạt được sức khỏe tốt nhất.
Cách tiếp cận này nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn các rủi ro về sức khỏe và môi trường để tránh các cuộc khủng hoảng về sức khỏe có thể xảy ra.
Tại hội thảo, bà Vũ Thị Phương - thuộc Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, đồng thời là điều phối viên Đối tác "Một Sức khỏe" Việt Nam cho biết đối tác "Một Sức khỏe" về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người được thành lập từ năm 2016, đã và đang nhận được nhiều sự ủng hộ của các chính phủ.
"Chúng tôi đánh giá cao vai trò của Dự án Truyền thông "Một Sức khỏe" cấp khu vực, kết nối các nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Philippines để các nước có thể tương tác, học hỏi và trao đổi lẫn nhau về các vấn đề như thực phẩm, hệ sinh thái, con người, động vật, cùng nhau tìm ra rủi ro về dịch bệnh, môi trường nhằm phòng ngừa khủng hoảng và các đại dịch trong tương lai," bà Vũ Thị Phương nhấn mạnh.
Cũng theo bà Phương, Đối tác Một Sức khỏe Việt Nam sẵn sàng phối hợp, tham gia các hoạt động cấp khu vực và quốc tế trong khuôn khổ dự án và Ban Thư ký "Một Sức khỏe" sẽ là cầu nối để các bên liên quan tích cực tham gia vào hoạt động truyền thông của dự án.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ quan điểm cách tiếp cận "Một Sức khỏe" sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngành nhằm ngăn chặn kháng kháng sinh - một tình trạng rất nhức nhối hiện nay.
Theo ông Phạm Đức Phúc - Phó Giám đốc Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), kháng kháng sinh chính là một "đại dịch thầm lặng" đang diễn ra.
Kháng sinh sử dụng trong nhiều ngành, trong đó có ngành nông nghiệp. Việc lạm dụng sử dụng kháng sinh dẫn đến tồn dư chất này trong thực phẩm và vi khuẩn mang gene kháng thuốc. Nếu chúng ta không sử dụng kháng sinh có trách nhiệm thì dự báo trong tương lai gần, số người tử vong hằng năm do kháng kháng sinh còn cao hơn so với người bị bệnh ung thư.
Hiện nay, Việt Nam đã có các chiến lược dự phòng về kháng kháng sinh nhưng việc thực thi vẫn còn một số bất cập.
Đồng quan điểm, bà Sonia Lewycka, nhà dịch tễ học tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU) cho biết kháng kháng sinh là mối đe dọa ngày càng tăng đối với sức khỏe con người trên toàn cầu.
Vi khuẩn kháng thuốc không có ranh giới, chúng có thể dễ dàng truyền từ người sang động vật và lây lan từ một vị trí địa lý này sang vị trí địa lý khác.
Khi vi khuẩn phát triển kháng thuốc ở động vật, chúng cũng có thể dễ dàng ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm cho việc điều trị các bệnh truyền nhiễm trở nên khó khăn.
Theo dự báo, đến năm 2050, khoảng 10 triệu người trên thế giới có thể tử vong vì tình trạng kháng kháng sinh. Nếu như chỉ có ngành y tế nỗ lực đảm bảo thuốc kháng sinh được sử dụng hợp lý trong cộng đồng và trong các cơ sở y tế thì sẽ không giải quyết được vấn đề. Chính vì vậy, sáng kiến "Một Sức khỏe" tập hợp các chuyên gia về sức khỏe con người, động vật, thực phẩm và môi trường thành một lực lượng và phối hợp hành động để ngăn ngừa tình trạng kháng kháng sinh nguy hiểm này./.