Phòng khám Đa khoa An Khang (Hà Nội): Phiên dịch bác sĩ nước ngoài dùng bằng giả trong thời gian dài không bị phát hiện
Phòng khám Đa khoa An Khang - 96 ô Chợ Dừa ở Hà Nội từng bị xử phạt vì bác sĩ Viên Cát Lượng (Trung Quốc) hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép. Mở rộng điều tra, mới đây, Sức khỏe và Môi trường điện tử phát hiện phiên dịch của bác sĩ này còn dùng bằng giả. Nhưng thay vì xử lý nghiêm minh, cơ quan chức năng chỉ chấp nhận cho phòng khám sa thải người này mà không thanh tra, xử lý toàn diện.
Tháng 7-2016, qua kiểm tra Phòng khám Đa khoa An Khang, Sở Y tế TP Hà Nội đã phát hiện bác sĩ Viên Cát Lượng (Trung Quốc) hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép, chỉ là bác sĩ chuyên khoa ngoại nhưng lại khám bệnh, kê đơn thuốc y học cổ truyền. Phòng khám còn thu tiền cao hơn giá đã niêm yết; không bảo đảm điều kiện nhân lực, quảng cáo sai sự thật… Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định xử phạt phòng khám gần 102 triệu đồng, tước chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Viên Cát Lượng.
Phòng khám An Khang từng bị xử phạt nhiều lần
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, Phòng khám Đa khoa An Khang còn từng bị xử phạt 15 triệu đồng vì chỉ là phòng khám tư nhân nhưng lại mạo danh trên nhiều website, đăng tải thông tin: “Phòng khám Đa khoa An Khang là đơn vị công lập trực thuộc Sở Y tế Hà Nội”.
Mở rộng điều tra, phóng viên phát hiện bà Ngô Thị Hạnh, theo kê khai là điều dưỡng đa khoa có bằng cử nhân Ngoại ngữ tiếng Trung, là phiên dịch cho bác sĩ Viên Cát Lượng nhưng lại sử dụng bằng giả về chuyên môn về y tế.
Bà Ngô Thị Hạnh đã sử dụng bằng tốt nghiệp cao đẳng y tế giả số seri 01136916 ghi tên Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội cấp. Tuy nhiên, lãnh đạo Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội qua xác minh đã khẳng định không cấp bằng cho bà Ngô Thị Hạnh. Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng điểm c, Điều 20, Thông tư số 41/2011/TT-BYT qui định tiêu chí để công nhận người có đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh có nêu rõ: “Phải có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp chuyên ngành y trở lên hoặc lương y và bằng tốt nghiệp trình độ đại học ngoại ngữ”.
Sai phạm của bà Ngô Thị Hạnh còn ảnh hưởng đến tư cách pháp nhân và hoạt động của Phòng khám An Khang cũng như bác sĩ Viên Cát Lượng. Theo các quy định của ngành y tế, bác sĩ người Trung Quốc Viên Cát Lượng chỉ được cấp phép hành nghề tại Việt Nam khi có người phiên dịch đủ tiêu chí hoạt động. Tuy nhiên bà Ngô Thị Hạnh đã sử dụng bằng y tế giả thì đương nhiên việc cấp chứng chỉ hành nghề cho ông Viên Cát Lượng cũng không hợp lệ. Các cơ quan quản lý phải sớm thanh tra, làm rõ và thu hồi giấy phép hành nghề của bà Ngô Thị Hạnh và ông Viên Cát Lượng, đồng thời xem xét lại hoạt động các thủ tục pháp lý cũng như nghiệp vụ của phòng khám An Khang thời gian qua.
Được biết, sai phạm này đã được báo chí phản ánh tới bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội và ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội nhưng hai vị này không thấy có biện pháp xử lý. Trong khi đó, được biết, chính bà Trần Thị Nhị Hà từng phụ trách công tác thẩm định, cấp phép hoạt động cho Phòng khám đa khoa An Khang.
Sự việc còn liên quan đến nơi cấp bản công chứng bằng tốt nghiệp cao đẳng y tế của bà Hạnh là Phòng tư pháp quận Hai Bà Trưng, người ký đóng dấu chứng thực là bà Vương Thị Bích Thủy, Phó trưởng Phòng Tư pháp quận Hai Bà Trưng.
Với việc sử dụng văn bằng giả phiên dịch cho bác sĩ Viên Cát Lượng suốt một thời gian dài của bà Ngô Thị Hạnh, có thể gây ra nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh của Phòng khám An Khang khi mà bác sĩ chính người Trung Quốc thì không biết tiếng Việt, người phiên dịch thì không có bằng cấp chuyên môn. Đây là sai phạm nghiêm trọng mà lẽ ra ngành y tế phải lập tức thanh kiểm tra, xử lý kiên quyết ngay nhưng Sở y tế vẫn thờ ơ trước sự việc.
Theo luật sư Quang Thu (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Việc bà Ngô Thị Hạnh sử dụng bằng y tế giả khi làm phiên dịch cho bác sĩ Viên Cát Lượng còn có dấu hiệu về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” theo khoản 2 điều 267 Bộ Luật Hình sự”. Đối với sự việc này, Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội phải sớm thanh tra, kiểm tra toàn diện sự việc, sau đó kiến nghị cơ quan chức năng thu hồi các văn bằng, chứng chỉ đã cấp và chuyển hồ sơ cho cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Đỗ Ngọc Hải, Giám đốc Phòng khám đa khoa An Khang cho biết: “Việc sử dụng bằng giả phòng khám không thể biết được”. Như vậy cho thấy nhân sự của phòng khám thực sự có “vấn đề” từ khâu thẩm định. Ông Hải cũng cho biết thêm: “Phòng Khám chấm dứt hợp đồng lao động với bà Ngô Thị Hạnh”.
Việc sa thải này cũng không thể thay thế cho việc phải thanh tra, điều tra làm rõ hành vi giả mạo giấy tờ! Trong khi đó, được biết bà Hạnh dù sử dụng bằng giả nhưng còn kiêm vai trò Trưởng phòng nhân sự tại Phòng khám đa khoa Thiên Hòa hiện cũng có nhiều sự việc phức tạp nên chiều 10/2/2017 vừa qua, đại diện Công an quận Cầu Giấy đã tới làm việc xác minh.
Sức khỏe & môi trường điện tử sẽ tiếp tục phản ánh sự việc tới bạn đọc qua buổi làm việc với đại diện Sở y tế thành phố Hà Nội trong thời gian tiếp theo.
N.H