Sắp tới, thế giới sẽ có vắc-xin dạng hít để phòng chống Covid-19
Kết quả cho thấy, nhiều điểm hứa hẹn trong các thử nghiệm trên động vật. Theo GS. BS Paul, tại Đại học Iowa, trưởng nhóm nghiên cứu, nếu vắc xin Covid-19 mới này có hiệu quả trên người, nó có thể giúp ngăn chặn sự lây truyền SARS-CoV-2 và kiểm soát đại dịch Covid-19.
Các loại vắc xin hiện dùng có khả năng chống lại Covid-19 rất tốt. Tuy nhiên phần lớn dân số thế giới vẫn chưa được tiêm chủng. Vì thế, nhu cầu cấp thiết lúc này là phải có thêm các loại vắc-xin khác dễ sử dụng và đem lại hiệu quả trong việc ngăn chặn lây truyền bệnh tật.
Các loại vắc-xin hiện có đang phát huy hiệu quả, nhưng những nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới chưa bao giờ dừng lại (ảnh minh họa)
Vắc-xin ở dạng hít, dùng một liều duy nhất tương tự như những loại thuốc thường được sử dụng để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh cúm mùa. Vắc-xin sử dụng một loại virus vô hại mang tên parainfluenza 5 (PIV5) để chuyển các protein gai đột biến SARS-CoV-2 vào trong tế bào, kích hoạt phản ứng miễn dịch chống lại sự lây nhiễm Covid-19.
Điều đặc biệt của loại vắc-xin này là khả năng bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường trong ít nhất 3 tháng.
Trong thử nghiệm trên chuột, vắc-xin giúp thúc đẩy phản ứng miễn dịch cục bộ liên quan đến kháng thể và miễn dịch tế bào. Đồng thời cung cấp sự bảo vệ hoàn toàn chống lại virus SARS-CoV-2 gây chết người. Trên chồn sương, vắc-xin ngăn ngừa lây nhiễm, ngăn chặn sự lan truyền coronavirus từ những con chồn bị nhiễm bệnh sang những con khác trong cùng một lồng.
Nhóm nghiên cứu đã phát triển nền tảng vắc-xin trong hơn 20 năm và bắt đầu nghiên cứu các công thức mới để chống lại Covid-19 trong những ngày đầu của đại dịch. Các nhà khoa học lưu ý thêm, các dữ liệu tiền lâm sàng cho thấy vắc-xin này không chỉ bảo vệ chống lại nhiễm Covid-19 mà còn làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền dịch bệnh.
Tuy nhiên, nghiên cứu trên động vật không phải lúc nào cũng đem lại thành công ở người. Cần tìm hiểu sâu hơn nữa để đi đến khẳng định kết quả của nghiên cứu này.
NHẬT HẠ