Thách thức trong phòng chống gian lận vay tiêu dùng
Nhiều thủ đoạn tinh vi qua mặt hệ thống kiểm duyệt
Mới đây, Công an tỉnh Bắc Ninh đã phá đường dây làm giả chứng minh thư nhân dân để mở tài khoản ngân hàng, vay tiền và chiếm đoạt khoảng 1 tỷ đồng của một công ty tài chính. Theo kết quả điều tra ban đầu, đối tượng P.N.L đã móc nối với các đối tượng khác nhằm thuê người chụp ảnh chân dung để làm giả chứng minh thư. Sau đó, L đưa người này đến ngân hàng mở tài khoản để làm thủ tục vay tiền. Khi nhận được tiền giải ngân từ các công ty tài chính tiêu dùng, L rút tiền và chia cho các đối tượng. Với thủ đoạn này, bước đầu cơ quan điều tra xác định nhóm đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt được khoảng 1 tỷ đồng của công ty T.
Tương tự trường hợp của công ty T, thông tin từ Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với L.V.C về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước đó vào ngày 6/5/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm nhận được đơn trình báo của Ngân hàng V về việc bị một nhóm đối tượng làm giả thông tin cá nhân, địa chỉ và các tài liệu liên quan để lừa đảo chiếm đoạt 600 triệu đồng. Theo thông tin ngân hàng cung cấp, nhóm đối tượng này đã sử dụng bộ hồ sơ giả mang tên N.V.T cùng một số giấy tờ chứng minh thu nhập khác, lừa đảo bằng hình thức vay 600 triệu đồng để mua xe ôtô.
Sau khi giải ngân số tiền trên, nhân viên ngân hàng đã liên lạc với đối tượng để lấy giấy đăng ký xe ôtô theo thỏa thuận của hợp đồng vay tiền thì không liên lạc được. Qua xác minh, ngân hàng phát hiện toàn bộ tài liệu trong hồ sơ vay tiền mà đối tượng cung cấp đều là giả. Tại cơ quan công an, C khai nhận được đối tượng H thuê sử dụng những thông tin, tài liệu giả nói trên để lừa đảo tiền từ ngân hàng với khoản thù lao khi vụ việc trót lọt là 30 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo còn giả nhân dạng của người khác bằng cách sử dụng chứng minh nhân dân mua lại từ các tiệm cầm đồ, chứng minh nhân dân nhặt được hoặc giấy tờ bị mất cắp sau đó thay hình và sử dụng để đi vay. Thậm chí, với các giấy tờ giả mạo này, đối tượng còn qua mặt nhân viên ngân hàng khi có thể mở tài khoản đứng tên và số chứng minh thư của người bị hại. Đây cũng là bước tính toán nhằm giúp các đối tượng hợp thức hóa thông tin về tài khoản nhận giải ngân khoản vay. Hậu quả là người bị mất chứng minh nhân dân phát sinh dư nợ vay, thậm chí, bị ghi nhận nợ xấu trên CIC.
Ảnh minh họa.
Nguyên nhân từ đâu?
Từ những sự việc trên cho thấy, thực tế tình trạng đánh cắp, buôn bán, sử dụng thông tin cá nhân của người khác để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật với mục đích trục lợi đã và đang diễn ra khá phổ biến. Thông thường, kẻ gian thường chú ý đến những dữ liệu cá nhân như: chứng minh thư nhân dân, số điện thoại di động, số thẻ tín dụng và các giấy tờ cá nhân khác như: đăng ký xe, giấy phép lái xe hay sổ hộ khẩu... Các đối tượng lừa đảo sau khi có được các thông tin này có thể lợi dụng để thực hiện các hoạt động vay mượn, thế chấp “không chính chủ”, sử dụng các thủ đoạn tinh vi hoặc lợi dụng những hỗ trợ về mặt công nghệ để qua mặt các tổ chức tín dụng, ngân hàng hay vay tiêu dùng để trục lợi.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng thì hầu hết các thông tin cá nhân của người sử dụng mạng internet ở Việt Nam đều do chính người sử dụng tự đưa lên. Và theo thống kê từ Bộ Công an, có tới 80% rò rỉ dữ liệu do người dùng tự làm lộ thông tin cá nhân. Với hàng trăm giao dịch, trao đổi thông tin trong hoạt động hàng ngày, từ mua hàng trực tiếp hay trực tuyến, mở tài khoản ngân hàng, tải phần mềm ứng dụng… đều vô tình hay bị bắt buộc phải khai báo thông tin cá nhân. Thêm vào đó, nhiều người lại có thói quen thường xuyên cập nhật mọi hoạt động, thông tin cá nhân lên mạng xã hội. Chính từ việc coi nhẹ tính bảo mật của các thông tin cá nhân, nhiều người đã gặp “trái đắng”.
Hiện nay, hệ thống dữ liệu về định danh người dùng cùng các thông tin liên quan tới lịch sử tín dụng của các cá nhân tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa thực sự đồng nhất và đầy đủ. Dẫn tới trong quá trình kiểm duyệt hồ sơ vay, đặc biệt là các sản phẩm cho phép duyệt khoản vay online, sẽ có một tỉ lệ rủi ro nhất định khi gặp phải các đối tượng cố tình thực hiện các hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, trục lợi phi pháp.
Đại diện một công ty tài chính cho biết việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực tài chính ngân hàng là một xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Ứng dụng vay online, hay áp dụng giải pháp định danh khách hàng điện tử eKYC đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều ngân hàng, công ty tài chính nhằm giúp khách hàng tiếp cận dịch vụ tài chính một cách thuận tiện nhất, rút ngắn thời và nâng cao trải nghiệm. Theo các chuyên gia, việc áp dụng công nghệ sẽ góp phần giúp người dân tiếp cận hệ thống tài chính chính thông nhanh chóng, góp phần hạn chế tiến tới đẩy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng và ngân hàng cần liên tục cập nhật, cải tiến về công nghệ, gia tăng nhiều phương pháp xác thực và các “hàng rào” bảo mật nhằm tăng khả năng phát hiện các trường hợp kẻ gian giả mạo, giảm thiểu tối đa những rủi ro cho công ty và sự an toàn cho khách hàng.
Vì vậy, để ngăn ngừa các hoạt động tội phạm trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, bên cạnh những nỗ lực trong việc đầu tư về mặt công nghệ và cải tiến quy trình quản lý rủi ro của các tổ chức tài chính, ngân hàng; nỗ lực trong công tác quản lý của Ngân hàng nhà nước và các cơ quan chức năng, mỗi người dân cũng cần đặc biệt nâng cao cảnh giác trong việc bảo mật các thông tin cá nhân của mình.
QUÝ VINH