Thái Lan đạt thành tich xuất sắc trong cuộc chiến chống HIV
(SK&MT) - Thái Lan trở thành nước châu Á đầu tiên và là nước thứ hai trên thế giới, loại trừ hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, đánh một dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỷ.
Theo các chuyên gia, nếu không được chữa trị, thai phụ nhiễm HIV có 15-45% khả năng truyền virus chết người này cho con trong quá trình mang thai, sinh nở hoặc cho con bú. Nếu không được điều trị, tỉ lệ truyền bệnh cho con trong lúc mang thai, sinh con hoặc cho con bú ở các thai phụ có HIV rơi vào khoảng 15-45%.Tuy nhiên, nếu thai phụ sử dụng thuốc kháng virus trong thời gian mang thai thì nguy cơ lây nhiễm cho con giảm đáng kể, chỉ còn xấp xỉ 1%.
Theo số liệu thống kê của chính phủ Thái Lan, số trẻ em nhiễm HIV bẩm sinh vào năm 2000 là 1.000 trẻ nhưng đến năm 2015, chỉ còn 85 trẻ. Đây chính là đột phá dẫn tới công bố mới nhất của WHO về việc chấm dứt tình trạng lây nhiễm virus HIV từ mẹ sang con ở Thái Lan. Thành công này đủ lớn để WHO tuyên bố Thái Lan không còn tình trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Đây là một bước tiến lớn của Thái Lan, đất nước có 100.000 ca nhiễm HIV vào năm 1990 nhưng chỉ 3 năm sau, số ca nhiễm đã lên tới hơn 1 triệu người. Một phần nguyên nhân bắt nguồn từ hoạt động kinh doanh tình dục bùng nổ tại nước này. Giới nhân viên y tế bắt đầu cố gắng thuyết phục chính phủ hành động.
Vào cuối thập niên 90, chiến dịch phát bao cao su miễn phí cho gái mại dâm được đẩy mạnh. Trong 10 năm đầu của thế kỷ 21, chiến dịch phát thuốc kháng vi rút rộng rãi diễn ra. Cuối cùng, cả hai chiến dịch này đều đạt được thành công lớn và được ca ngợi.
Thông báo của WHO hôm 8/6/2016 là sự khích lệ lớn cho một thế hệ nhân viên y tế Thái Lan đã nỗ lực đưa đất nước ra khỏi những quốc gia châu Á bị tàn phá vì dịch AIDS để trở thành quốc gia điển hình ứng phó hiệu quả với căn bệnh thế kỷ.
Michel Sidibé - Giám đốc điều hành UNAIDS (Chương trình Phối hợp của LHQ về HIV/AIDS) nhận định: “Tiến bộ của Thái Lan cho thấy khoa học và y học có thể thành công đến mức nào khi được củng cố bằng cam kết chính trị bền vững”.
Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh - Giám đốc WHO khu vực Đông Nam Á cho biết: “Đây là một thành tích đáng kể đối với một đất nước có hàng ngàn người sống chung với HIV. Cam kết vững chắc của Thái Lan với các nguyên tắc cốt lõi về sức khỏe cộng đồng đã hiện thực hóa việc loại bỏ lây truyền HIV và giang mai từ mẹ sang con, một bước tiến quan trọng trong việc đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS. Thái Lan đã chứng tỏ với thế giới rằng HIV có thể bị đánh bại”.
Tuy nhiên, Thái Lan vẫn còn nhiều việc phải làm. Liên hiệp quốc ước tính, xứ sở chùa Vàng vẫn còn khoảng 500.000 người nhiễm HIV và tỉ lệ lây nhiễm HIV vài năm gần đây tăng nhẹ. Steve Mills, Giám đốc kỹ thuật tại văn phòng phi lợi nhuận FHI360 của châu Á-Thái Bình Dương tại Bangkok, cho biết Thái Lan cần phải cải thiện và tập trung nhiều hơn vào các quần thể có nguy cơ cao như tiêm chích ma túy và gái mại dâm hoạt động bên ngoài nhà thổ. Giới đồng tính nam và người chuyển giới cũng cần quan tâm đặc biệt.
Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,4 triệu phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai. Số trẻ em nhiễm HIV bẩm sinh vào năm 2009 là 400.000 trẻ. Đến năm 2013, con số này giảm xuống còn 240.000 trẻ.
Vào năm 2015, Cuba đã chính thức được WHO công nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới loại bỏ thành công nguy cơ lây nhiễm HIV và giang mai từ mẹ sang con. Cùng với Cuba và Thái Lan, Belarus cũng đạt được thành công trong lĩnh vực y tế này.
Linh Đức