Thái Nguyên sản xuất bộ sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2
Nghiên cứ bộ sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại phòng thí nghiệm ở Đại học Khoa học-Đại học Thái Nguyên. Ảnh: Báo Thái Nguyên.
Theo báo Thái Nguyên, trên hệ thống máy móc hiện đại sẵn có của Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên), TS. Nguyễn Phú Hùng đã tiến hành nghiên cứu các tài liệu trong nước và quốc tế, rút ra những bài học, chia sẻ kinh nghiệm từ các của những đồng nghiệp của mình về các vấn đề liên quan đến bộ sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Sau khi thử nghiệm thành công, TS. Hùng trình bày ý tưởng với Nhà trường.
Sau nhiều cuộc họp thảo luận về tính khả thi cũng như cấp thiết của đề tài trước tình hình dịch bệnh có diễn biến ngày càng phức tạp, UBND tỉnh Thái Nguyên đã quyết định đặt hàng với Đại học Thái Nguyên chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện virus SARS-Cov-2 bằng kỹ thuật Realtime.
Ngay sau đó, Đại học Thái Nguyên đã thành lập nhóm nghiên cứu gồm 13 thành viên do TS. Nguyễn Phú Hùng làm Chủ nhiệm đề tài.
Sau khi nhận nhiệm vụ, Đại học Khoa học đã huy động tất cả các phòng chuyên môn giúp cho nhóm nghiên cứu thực hiện các bước mua sắm trang thiết bị, hóa chất, chuẩn bị phòng thí nghiệm.. tạo điều kiện cho nhóm tập trung nghiên cứu.
Quá trình nghiên cứu bắt đầu từ khâu tiếp cận mẫu bệnh thật từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Các nhà khoa học phải thực hiện nghiên cứu song song tại 2 phòng thí nghiệm. Thực hiện thí nghiệm tổng hợp tại phòng thí nghiệm ở Đại học Khoa học nhằm tối ưu các hóa chất phục vụ cho phát triển bộ chẩn đoán. Còn phòng thí nghiệm an toàn cấp độ 2 được Bộ Y tế cấp phép để xét nghiệm SARS-CoV-2 của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiến hành thử nghiệm trên mẫu bệnh phẩm thật.
Sau gần 3 tháng nghiên cứu liên tục, các nhà khoa học của Đại học Khoa học và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã cho ra kết quả nghiên cứu bộ sinh phẩm phát hiện virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ Realtime RT-PCR. Sau đó, nhóm đã sản xuất ra 20 bộ sinh phẩm, mỗi bộ gồm 50 test (tương ứng với tổng 1.000 test), giao cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh.
Bộ sinh phẩm đã được Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) kiểm định. Kết quả cho thấy, độ nhạy và độ đặc hiệu đều đạt 100%, ngưỡng phát hiện từ 10 - 50 copies/phản ứng.
Sau đó, nhiệm vụ khoa học nói trên đã được Hội đồng đánh giá gồm các chuyên gia, các nhà nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và Đại học Việt-Pháp nghiệm thu và đánh giá đạt loại “Giỏi”.
Các thử nghiệm và đánh giá đã cho thấy bộ sinh phẩm không phát hiện nhầm các chủng virus hoặc vi khuẩn có trong đường hô hấp của người, điều này khẳng định bộ sinh phẩm có độ đặc hiệu phân tích đạt 100%...
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho hay giá thành dự kiến chi phí cho 1 test khoảng 370.000 đồng, rẻ hơn so với các kit phản ứng trên thị trường từ khoảng 20 - 30% và thời gian xét nghiệm nhanh hơn từ 30-45 phút.
Bước tiếp theo, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu, tính toán các phương án bàn giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu theo quy định.
Tỉnh Thái Nguyên cũng đang lựa chọn các doanh nghiệp, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ và năng lực sản xuất phù hợp để tiến hành đăng ký, xin cấp phép theo quy định để tiến hành ngay các phương án sản xuất bộ sinh phẩm này phục vụ công tác xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19 hiện đang cấp bách hiện nay.
Theo Báo điện tử Chính phủ