Thanh Hóa: Nhân rộng mô hình xã, phường, thị trấn an toàn thực phẩm
Từ những cách làm hay
Vĩnh Lộc là một trong hai huyện đầu tiên ở Thanh Hóa có 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm. Để đạt được các tiêu chí này, huyện Vĩnh Lộc đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhóm tiêu chí an toàn thực phẩm, gồm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. UBND huyện tổ chức nhiều hội nghị tập huấn công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như phối hợp với Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm và Văn phòng điều phối vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho các hộ sản xuất, kinh doanh. Huyện cũng thành lập các tổ giám sát cộng đồng tại thôn và tổ giám sát chợ an toàn thực phẩm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm chủ động, tự giác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phát triển nông nghiệp an toàn.
Để người dân hiểu biết và thể hiện trách nhiệm trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, huyện Vĩnh Lộc tập trung phổ biến các quy định pháp luật, các tiêu chuẩn, quy định điều kiện và kiến thức khoa học về an toàn thực phẩm. Bằng nhiều hình thức khác nhau như phát tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, trong các cuộc họp thôn, xóm, họp phụ nữ... các cấp ủy, chính quyền đã vào cuộc tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng cách chọn mua, chế biến thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ, đã được kiểm định. Đồng thời, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra theo phân cấp quản lý. Kết quả tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm cũng được coi là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá thi đua, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong năm 2019 ở huyện Vĩnh Lộc.
Huyện Vĩnh Lộc hiện đã xây dựng được 1 mô hình chuỗi giá trị sản phẩm an toàn; 3 cơ sở giết mổ đảm bảo an toàn thực phẩm; 1 chợ an toàn thực phẩm; 8 chợ kinh doanh thực phẩm; 5 cửa hàng an toàn thực phẩm; 30 chuỗi cung ứng lúa, gạo, rau, quả, thịt gia súc, gia cầm an toàn quy mô lớn, hàng năm cung cấp cho thị trường gần 12 nghìn tấn gạo, rau quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên địa bàn huyện 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo quy định...
Đặc biệt, để xây dựng và bảo đảm nguồn cung thực phẩm nông sản an toàn theo chuỗi giá trị, huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông sản thực phẩm áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP như sản xuất rau củ quả an toàn tại các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Thành, Vĩnh Long... với diện tích vùng sản xuất rau an toàn tập trung là 23 ha và 27.000 m2 rau an toàn trong nhà lưới được chứng nhận VietGap. Một số sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ như chuỗi rau, củ, quả của hợp tác xã Vĩnh Thành; mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu theo chuỗi giá trị của Hợp tác xã dịch vụ và sản xuất rau an toàn Tùng Anh (xã Vĩnh Thịnh); sản phẩm rau má tươi xã Vĩnh Long; rau sạch của hợp tác xã dịch vụ và sản xuất rau sạch Hùng Cường... ngày càng được người tiêu dùng đánh giá cao.
Chị Hà Thị Duy, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ và sản xuất rau an toàn Tùng Anh (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc) cho biết: "Từ khi ra mắt thị trường, đến nay các sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã đã tạo được niềm tin của người tiêu dùng và các đơn vị tiêu thụ. Các sản phẩm rau, quả của hợp tác xã đều được trồng trong nhà lưới, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo các khâu từ sản xuất, sơ chế đến đóng gói bao bì, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, nhằm thực hiện kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm, hợp tác xã đã ký kết cung cấp sản phẩm với năm đơn vị tiêu thụ, chủ yếu là các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại thành phố Thanh Hóa... nên giá cả rất ổn định, lại không lo đầu ra."
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc, khẳng định: "Sau ba năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”, đến nay huyện đã hoàn thành chỉ tiêu về xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chợ, bếp ăn tập thể, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Huyện cũng vừa được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là huyện thứ hai của tỉnh Thanh Hóa có 100% xã, thị trấn được công nhận xã, thị trấn an toàn thực phẩm. Thời gian tới, huyện Vĩnh Lộc sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm giữ vững những kết quả đã đạt được trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vĩnh Lộc đặt ra mục tiêu phấn đấu hết năm 2020, toàn huyện có 50% trở lên thực phẩm tiêu dùng được cung cấp thông qua các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận”.
Tiếp tục nhân rộng nhiều xã, phường, thị trấn an toàn thực phẩm
Sau ba năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đã được các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, trong đó phải kể đến công tác xây dựng xã, phường an toàn thực phẩm.
Đến tháng 10/2019, tại Thanh Hóa đã có nhiều địa phương có tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn an toàn thực phẩm cao như huyện Đông Sơn (15/15 xã, thị trấn), thành phố Thanh Hóa (12/37 xã, phường), huyện Vĩnh Lộc (16/16 xã, thị trấn)... Các xã, phường đạt chuẩn an toàn thực phẩm đáp ứng được các tiêu chí về chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, khu giết mổ tập trung an toàn, chợ an toàn thực phẩm, bếp ăn tập thể an toàn và cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn... Bên cạnh đó, nhận thức của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhân dân về vệ sinh an toàn thực phẩm được nâng cao rõ rệt. Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đang giao các huyện, thị xã, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn an toàn thực phẩm, đảm bảo thực hiện mục tiêu trong năm 2019 các xã nông thôn mới trên địa bàn phải đạt tiêu chí xã an toàn thực phẩm và đến hết năm 2020 có 90% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn phải đạt tiêu chí xã an toàn thực phẩm.
Công tác quản lý, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm chưa cao; các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ nên khả năng đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng còn hạn chế.
Phó Chánh Văn phòng điều phối vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hóa Hà Văn Giáp khẳng định: Từ thành công của các mô hình xã, phường đạt các tiêu chí về an toàn thực phẩm, tới đây tỉnh Thanh Hóa sẽ nhân rộng các mô hình này tại nhiều huyện trên địa bàn. Thanh Hóa sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa của việc thực hiện các mô hình an toàn thực phẩm và chung tay vì chất lượng thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, quản lý an toàn thực phẩm cũng như tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tuyến xã; phấn đấu đến hết năm 2020, thực phẩm sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cơ bản đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hoa Mai