Thế giới phấn đấu sản xuất 24 tỷ liều vaccine
Ông Cueni cho rằng mặc dù hiện vẫn tồn tại khoảng cách lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước giàu và nghèo, song thế giới sẽ sản xuất được 7,5 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 trong tháng 9 này. Theo ước tính của IFPMA, số lượng vaccine được sản xuất sẽ đạt 24 tỷ liều vào giữa năm tới - một con số còn lớn hơn nhu cầu toàn cầu.
Theo công ty phân tích dữ liệu khoa học Airfinity, hiện có tới 70% người trưởng thành ở các quốc gia phát triển hơn đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine trong khi ở châu Phi, con số này chỉ là 6%. Trung bình mỗi tháng lại có khoảng 1,5 tỷ liều vaccine được sản xuất.
Dự kiến, sản lượng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu sẽ đạt 12 tỷ liều vào cuối năm nay. Điều này đồng nghĩa là ngay cả khi các nước giàu muốn tiêm chủng cho tất cả mọi người từ 12 tuổi trở lên, vẫn còn ít nhất 1,2 tỷ liều vaccine sẵn có để phân phối lại cho các nước nghèo. Do đó, việc dự trữ vaccine phòng trường hợp thiếu hụt là không còn cần thiết.
Giám đốc điều hành hãng dược phẩm Mỹ Pfizer Albert Bourla cho biết chi phí của loại vaccine mà hãng này phối hợp với hãng dược phẩm Đức BioNTech bào chế không phải là vấn đề. Theo ông, Pfizer định giá vaccine dựa vào thực lực kinh tế của quốc gia mua chế phẩm này.
Trong khi đó, ông Paul Stoffels, Giám đốc khoa học của hãng dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson, cho biết việc miễn áp dụng bản quyền sáng chế đối với vaccine ngừa COVID-19 theo yêu cầu của một số tổ chức phi chính phủ cũng không phải là vấn đề hiện nay. Ông nhấn mạnh điều cần thiết hiện nay là tối ưu hóa năng lực sản xuất vaccine hiện có của các hãng sản xuất.
Cuộc đua toàn cầu để tiêm phòng COVID-19 cho nhiều người nhất có thể, trước khi virus lây lan rộng hơn hoặc xuất hiện biến thể nguy hiểm mới, đang đi vào giai đoạn khó khăn. Đặc biệt là trong bối cảnh nhiều quốc gia phải vật lộn để thuyết phục người dân tiêm phòng trước mùa đông, thời điểm COVID-19 lây lan mạnh.
Tất cả những yếu tố trên đặt ra một vấn đề đáng báo động: Nếu ngay cả các nước phương Tây giàu có cũng không thể chiến thắng trong cuộc đua dập dịch COVID-19.
Những đột biến và biến thể COVID-19 mới có nguy cơ làm suy yếu chiến dịch tiêm phòng, phá hoại nỗ lực phổ biến vaccine ở rất nhiều quốc gia.
"Mỗi khi một virus mới được tạo ra, virus sẽ có cơ hội đột biến và củng cố sức đề kháng với các loại vaccine hiện có. Vì vậy, người không tiêm phòng COVID-19 không chỉ tự đặt mình vào nguy hiểm, mà còn tạo ra nguy cơ cho những người đã tiêm vaccine", ông Simon Clarke, chuyên gia về vi sinh vật học tại đại học Reading ở miền Nam nước Anh, cho biết.
Trên phạm vi toàn cầu, nguy cơ này có thể dẫn đến một viễn cảnh đáng sợ ở các quốc gia nghèo không đủ điều kiện để triển khai tiêm phòng rộng rãi. Do việc ngăn chặn virus xâm nhập qua biên giới các nước gần như là bất khả thi, vì vậy điểm yếu trong phòng dịch ở bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tạo nên vấn đề chung của mọi quốc gia.
Đ.Linh