TP.HCM: Điều trị thành công bệnh nhân chảy máu ruột non hiếm gặp
Bệnh nhân nam N.T.P (SN 1991, ngụ Q12, TPHCM) nhập viện ngày 08/10/2020 vì lý do đi cầu ra máu, mất máu lượng nhiều, sinh hiệu không ổn định. Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân N.T.P được truyền 10 đơn vị hồng cầu lắng để hồi sức.
Bệnh nhân N.T.P hồi phục sau 24 giờ phẫu thuật
BS CKII Hồ Văn Hân – Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, cho biết sau khi thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán nội soi thực quản – dạ dày - tá tràng và nội soi đại tràng... các bác sĩ vẫn không tìm thấy vị trí và nguyên nhân gây chảy máu. Tình trạng chảy máu vẫn tiếp diễn, tái phát mức độ nặng.
Ngày 13/10/2020 BV hội chẩn phối hợp đa chuyên khoa, áp dụng các kỹ thuật chuyên sâu, bao gồm: Chẩn đoán hình ảnh, chụp và can thiệp mạch máu, đặc biệt với kỹ thuật nội soi ruột non bằng viên nang (Capsule endoscopy) cho phép khảo sát được toàn bộ ruột non nhờ một camera siêu nhỏ ghi hình và truyền vô tuyến qua da.
Từ các kĩ thuật chuyên sâu cho thấy bệnh nhân có các dấu hiệu gợi ý vị trí chảy máu từ nhánh nhỏ của động mạch mạc treo tràng trên tương ứng với đoạn hỗng tràng (ruột non). Qua đó, các bác sỹ quyết định phẫu thuật kết hợp nội soi ruột non trong lúc mổ (Intraoperative Enteroscopy - IOE), cắt đoạn ruột non có sang thương xuất huyết Dieulafoy. Sau khi cắt đoạn ruột non, kiểm tra không phát hiện thêm sang thương gây xuất huyết khác. 24 giờ sau phẫu thuật đến ngày 14/10/2020 bệnh nhân khỏe, tỉnh táo và dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Về tình trạng của bệnh nhân N.T.P, BS CKII Hồ Văn Hân, cho biết: “Theo y văn, sang thương xuất huyết Dieulafoy ở tá tràng và hỗng tràng chiếm 3,5% trong các tất cả các trường hợp xuất huyết tiêu hóa, Dieulafoy ở hỗng tràng – ruột non chiếm tỉ lệ 1% trong tất cả các trường hợp Dieulafoy. Dieulafoy là nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa hiếm gặp, được mô tả chính xác lần đầu tiên bởi phẫu thuật viên người Pháp - Georges Dieulafoy vào năm 1884. Sang thương xuất huyết Dieulafoy ở hỗng tràng – ruột non là một thách thức trong chẩn đoán và điều trị do đặc điểm giải phẫu của ruột non là dài gây khó khăn trong việc tiếp cận, chẩn đoán và can thiệp”.
“Tình trạng chảy máu lượng lớn cần cấp cứu, chẩn đoán nhanh để xác định được vị trí, nguyên nhân gây xuất huyết và can thiệp kịp thời để tránh trường hợp bệnh nhân có thể tử vong do mất máu. Việc chẩn đoán và điều trị cần phối hợp đa chuyên khoa và cá thể hóa từng trường hợp. Nhờ có sự phát triển của các kỹ thuật nội soi mà tỷ lệ tử vong giảm rất nhiều từ 80% xuống 8,6%” – BS CKII Hồ Văn Hân, thông tin thêm.
Gia Thanh