Tri ân nữ hộ sinh hiến đa tạng cứu người
Bộ trưởng Đào Hồng Lan truy tặng Kỷ niệm chương "Vì sức khoẻ nhân dân" cho người nhà nữ hộ sinh Lộ Thị Thuỳ Linh- Ảnh: VGP/TX |
Bộ trưởng Đào Hồng Lan gửi lời tri ân sâu sắc đến gia đình Thạc sĩ, nữ hộ sinh Lộ Thị Thùy Linh - người đã hiến tạng để cứu sống 4 bệnh nhân đang nguy kịch khác. Đây là một gương điển hình lan tỏa trong xã hội về những tấm lòng cao đẹp, là hình ảnh đẹp thể hiện sự chia sẻ cao quý để cứu sống người khác. Việc cho, hiến tạng để cứu sống người khác là hành động cao đẹp nhất của tấm lòng từ thiện.
Bộ Y tế đánh giá cao sự hi sinh và công hiến của nữ hộ sinh Lộ Thị Thuỳ Linh.
TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E chia sẻ, nữ nhân viên y tế của Bệnh viện E mắc bệnh hiểm nghèo và bị ngừng tim đột ngột. Ngay sau khi bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện E cấp cứu, hồi sức, mặc dù tim đã đập trở lại, nhưng bệnh nhân trong tình trạng chết não.
Sau 3 lần đánh giá của Hội đồng chẩn đoán chết não, gia đình đồng ý hiến toàn bộ tạng để cứu sống 4 người mắc trọng bệnh.
Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và các bệnh viện: E, Hữu nghị Việt Đức, Trung ương Quận đội 108, BV Phổi Trung ương đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong việc lấy tạng và ghép tạng cho những người bệnh.
"Để thực hiện việc lấy - ghép tạng này, phòng mổ của Bệnh viện E cũng như Bệnh viện Việt Đức, BV 108 đều sáng đèn, sẵn sàng thực hiện việc lấy - ghép khi có thể thực hiện được ngay. Hàng chục y bác sĩ, chuyên gia của các bệnh viện đã tham gia vào các ca hiến - ghép đa tạng này", Giám đốc BV E cho biết.
Từ tạng hiến của nữ hộ sinh Lộ Thị Thuỳ Linh đã hồi sinh sự sống cho 4 người khác - Ảnh: VGP/Thanh Xuân |
Từ tạng hiến của nữ bệnh nhân đã hồi sinh sự sống cho 4 người, trong đó, có 1 bệnh nhân được ghép tim và 2 bệnh nhân được ghép thận ở Bệnh viện Việt Đức, 1 bệnh nhân được ghép gan ở Bệnh viện 108.
TS Nguyễn Công Hựu cũng chia sẻ, câu chuyện về nữ nhân viên y tế hiến mô, tạng không chỉ cứu sống được nhiều người khác – nối dài sự sống cho nhiều người bệnh, thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc, mà còn thể hiện tình người, nghĩa cử cao đẹp của tinh thần tương thân, tương ái, có sức lan tỏa cộng đồng.
"Lật giở từng trang ký ức, đối với nhiều đồng nghiệp ở Bệnh viện E, chị như "cánh hạc bay xa" nhưng lại có tâm nguyện lớn lao vì sự phát triển nền y học nước nhà. Chị đã đăng ký và nguyện hiến một phần cơ thể để cứu sống cho nhiều người bệnh đang cần được ghép tạng.
Gia đình với truyền thống nhiều thế hệ đã và đang làm việc, đóng góp, cống hiến cho Bệnh viện E nói riêng, ngành y tế nói chung, cũng mong muốn thực hiện tâm nguyện đó của chị.
"Cho đi là còn mãi, trái tim của con tôi vẫn sống theo cách riêng và đầy ý nghĩa trong trái tim của người thân, gia đình, đồng nghiệp và mọi người trong xã hội", người cha của chị xúc động chia sẻ.
Cùng với nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng và gia đình người hiến, Bộ trưởng kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế; các tầng lớp, giới chức xã hội, các tổ chức, cá nhân trong cả nước hãy hưởng ứng và tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để giúp cứu chữa tận cùng những bệnh nhân suy mô, tạng đang mỏi mòn chờ được trao tặng sự sống.
Tính đến hết ngày 31/3/2023, số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam đã thực hiện là 7.498 ca ghép, trong đó ghép thận là 6,764 ca, ghép gan 456 ca, ghép tim 65 ca, ghép thận - tụy 1 ca, ghép tim – phổi 1 ca, ghép phổi 9 ca, ghép chi trên 2 ca, ghép ruột 2 ca…
Hiện nay, nhu cầu người chờ ghép mô, tạng ngày càng tăng, ước tính cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi... Như vậy, có rất nhiều trường hợp suy nội tạng sẽ được cứu sống nếu chúng ta có nguồn hiến tặng thích hợp, vì ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng.
Ghép tạng thành công không những mở ra cơ hội sống cho những người bệnh suy tạng, mà còn giúp các chuyên khoa khác nhau, thuốc và các phương tiện phục vụ cho công tác khám chữa bệnh ngày càng tốt hơn.
Được biết Bệnh viện E đang xây dựng đề án ghép tạng (tim, thận) để trình Bộ Y tế phê duyệt. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị, Bệnh viện E cần tiếp tục cần tiếp tục hoàn thiện các quy trình kỹ thuật cao về ghép tạng; phát triển chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật; không ngừng học tập nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; phát huy đạo đức, y đức và những phẩm chất tốt đẹp của người thầy thuốc Việt Nam; tiếp nối lan tỏa giá trị tốt đẹp của ngành Y.
Cũng theo Bộ trưởng, mặc dù kỹ thuật ghép mô tạng tại Việt Nam tương đồng với thế giới, nhưng số người được ghép tạng từ người chết và chết não thấp nhất thế giới do khó khăn và trở ngại lớn nhất là nguồn mô tạng từ người hiến sau chết và người chết não. Tỉ lệ người đăng ký hiến mô tạng và tỉ lệ bệnh nhân hiến tạng sau chết não của chúng ta đang thấp nhất trên thế giới. Vì vậy, cần tăng cường hoạt động truyền thông thay đổi nhận thức của người dân về việc hiến mô và bộ phận cơ thể người.
Đồng thời, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ban ngành tham mưu Chính phủ sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, trong đó định hướng tập trung sửa đổi các vấn đề như độ tuổi người hiến, quyền lợi đối với người hiến; tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng; xác định chết não; cơ chế tài chính trong hiến, ghép mô, tạng; các chế độ, chính sách cho đội ngũ nhân lực tham gia điều phối, tuyên truyền, vận động hiến mô, tạng...
Cùng ngày, Bệnh viện E và Bệnh viện Bạch Mai ký kết dự án hợp tác, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật, giai đoạn 2024 – 2030, với mục tiêu nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ thuật và quản lý cho cán bộ y tế và tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh chuyên khoa sâu nhằm đáp ứng và phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người bệnh…