Vĩnh Phúc phát huy thành quả kinh tế, làm tốt công tác phòng chống dịch nhờ 'thế trận lòng dân'
Người dân phát huy ý thức phòng chống dịch bệnh
Để kêu gọi, khơi gợi và phát huy được ý thức tự giác của người dân, bên cạnh những quy định bắt buộc hay cơ chế khen thưởng động viên kịp thời, đúng lúc, đúng mức của chính quyền các cấp, Vĩnh Phúc còn thường xuyên có những hành động thiết thực như lãnh đạo tỉnh, huyện ra Lời kêu gọi, Thư động viên toàn dân phòng chống dịch Covid-19, qua đó nhấn mạnh tinh thần yêu quê hương đất nước, tình cảm trách nhiệm với đồng bào của mỗi người dân với cộng đồng.
Với tinh thần mỗi xóm làng là một chiến lũy, mỗi người dân là một chiến sĩ, Vĩnh Phúc đã nêu cao ý thức tự giác toàn dân phòng chống dịch Covid-19. Khi đó, dịch bệnh dù nguy hiểm đến mấy nhưng không có môi trường hoạt động, thì cũng vô hại. Mỗi người dân, mỗi độ tuổi là một nhận thức, ý thức về việc phòng chống dịch bệnh.
Người dân Vĩnh Phúc ý thức cao về việc phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ
"Những ngày này, dù thường xuyên có mặt tại chợ để buôn bán nhưng tôi cũng đã dành thời gian liên tục trong ngày để cập nhật tình hình dịch Covid-19. Từ khi xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 mới trên cả nước, tôi thấy 100% người dân khi đến chợ đã đeo khẩu trang và chính các tiểu thương cũng hạn chế việc tụ tập trò chuyện để phòng, chống dịch. Đối với những trường hợp từ vùng dịch trở về, Ban Quản lý Chợ và cả những tiểu thương chúng tôi đều yêu cầu đối tượng đó tự cách ly ở nhà theo quy định", chị Nguyễn Thị Thẩm, tiểu thương bán hàng tại chợ Tổng, thành phố Vĩnh Yên cho biết.
Bà Nguyễn Thị Ghi, Bí thư chi bộ thôn Đông, xã Phú Đa chia sẻ: Thời gian qua, trước tình hình dịch bệnh trong tỉnh và cả nước diễn biến phức tạp, gây xáo trộn cuộc sống, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người dân, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cập nhập tình hình dịch bệnh tôi thấy rất lo lắng.
"Chúng tôi cũng chỉ biết góp sức nhỏ bé của mình thông qua việc phối hợp với chính quyền địa phương rà soát kỹ những công dân địa phương trở về từ vùng dịch để tuyên truyền, áp dụng biện pháp cách ly phù hợp. Đồng thời, nhắc nhở người thân trong gia đình và người dân trong thôn mỗi người cùng nêu cao ý thức, trách nhiệm cá nhân, tiếp tục thực hiện nghiêm quy định đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, sát khuẩn tay, không tụ tập đông người,..", bà Ghi chia sẻ thêm.
Ý thức phòng chống dịch bệnh tại Vĩnh Phúc không chỉ được lan tỏa, được đồng lòng, thấu hiểu từ người lớn, mà những cháu nhỏ cũng được giáo dục ý thức tự giác trong phòng chống dịch Covid-19. "Bình thường không có dịch, cứ mỗi cuối tuần bố mẹ lại cho con đi chơi, đi siêu thị, nhưng từ ngày có dịch con không được đi đâu, thường xuyên phải ở nhà, nhưng ở nhà cũng vui, hai chị em con được chơi cùng nhau, chúng con cũng không đòi bố mẹ cho đi đâu nữa cả. Có những lúc con còn nhắc nhở bố mẹ con đeo khẩu trang mỗi khi đi làm. Bản thân con mỗi lần được xuống thăm ông bà ngoại cũng tự ý thức đeo khẩu trang, con thấy không khó chịu gì cả", Phùng Bảo Trâm, học sinh lớp 4A9 trường tiểu học Đống Đa thành phố Vĩnh Yên chia sẻ rất hồn nhiên.
Thành quả kinh tế đạt được nhờ "thế trận lòng dân"
Thực tế khách quan cho thấy, dù đã triển khai mọi biện pháp quyết liệt như điều tra, truy vết, khai báo y tế bắt buộc hay kiểm soát nghiêm ngặt người ra vào địa bàn, nhưng chỉ một sơ suất rất nhỏ để lọt người hay phương tiện mang mầm bệnh vào địa bàn, mọi cố gắng đều có thể trở nên vô nghĩa. Chỉ khi ý thức người dân được đặt ở mức cao nhất, coi đó là quyền lợi và trách nhiệm của mình, muốn hay không cũng phải thực hiện và thực hiện với tinh thần tự giác cao độ, công việc mới thu được hiệu quả như mong muốn.
Sau mỗi đợt dịch, kết quả bước đầu cho thấy, không những dịch bệnh cơ bản được khống chế và kiểm soát, nền kinh tế của Vĩnh Phúc còn có những bước phát triển đáng mừng, thậm chí, một số chỉ tiêu còn cao hơn khi dịch bệnh chưa xuất hiện. Ví như tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh tăng 14,21% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng trưởng cao nhất so với vùng Đồng bằng Sông Hồng và cao thứ 3 toàn quốc, đồng thời là mức tăng cao nhất của tỉnh trong 10 năm trở lại đây.
Tất nhiên, không dễ gì đạt được những kết quả đáng ghi nhận đó. Có nhiều lúc, nhiều thời điểm, Vĩnh Phúc tưởng như không thể đạt được mục tiêu đặt ra. Thế nhưng, với truyền thống năng động, trí tuệ, sáng tạo vốn có, với khả năng tư duy "cái khó" sẽ "ló ra cái khôn", Vĩnh Phúc đã từng bước gỡ khó, vượt lên, đạt nhiều mục tiêu, vượt kế hoạch kinh tế.
Cụ thể, tỉnh xác định, dù dịch bệnh nguy hiểm phức tạp đến mấy, nếu không khống chế, kiểm soát, tiến tới đẩy lùi được, cũng khó có thể yên tâm làm bất cứ việc gì. Chính vì vậy, dù nhất quán chủ trương thực hiện mục tiêu kép nhưng tỉnh vẫn nhấn mạnh quan điểm, trong thời điểm này, phòng chống dịch bệnh vẫn là ưu tiên số 1, hàng đầu và trên hết. Làm tốt được việc đó sẽ tạo nền tảng chiến lược cho thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo.
Cùng với đó, thực hiện chủ trương “mục tiêu kép” của Chính phủ, tỉnh cũng triển khai nhiều hành động quyết liệt nhằm đảm bảo cao nhất hiệu quả chống dịch song song với nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Từ câu chuyện ý thức của mỗi cá nhân cho thấy, khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đều dấy lên phong trào tự nguyện, tự giác chống dịch. Nhiều gia đình có con em đang sinh sống và làm việc tại vùng dịch phía Nam đã chủ động khuyên bảo người thân tuân thủ nghiêm chủ trương “Ai ở đâu, ở yên đấy” của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp bắt buộc phải về quê cần thực hiện đúng các quy định phòng chống dịch bệnh, chủ động khai báo y tế, lịch trình đi lại và thực hiện cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung.
Không ai có thể riêng mình sống yên ổn nếu như cộng đồng còn chưa an toàn. Chỉ khi mỗi người dân có ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống dịch; có tinh thần trách nhiệm chung sức, đồng lòng cùng Nhà nước chống dịch, mới tạo nên sự đoàn kết thống nhất, tạo "lá chắn" vững chắc để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, sớm đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.
NGỌC ÁNH