WHO: Châu Âu lại thành tâm dịch Covid-19
WHO mô tả làn sóng dịch bệnh mới ở châu Âu là một "mối lo ngại nghiêm trọng". Số ca mắc bệnh tăng vọt, đặc biệt là ở Đông Âu, cũng làm nổ ra nhiều cuộc tranh luận về việc có nên tái áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và làm thế nào để thuyết phục nhiều người dân đi tiêm chủng hơn.
Trong khi đó, một số quốc gia ở châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, đang mở cửa trở lại lĩnh vực du lịch.
Người phụ trách khu vực châu Âu của WHO, Hans Kluge cho biết: “Tốc độ lây truyền dịch bệnh hiện tại trên 53 quốc gia thuộc khu vực Châu Âu là một vấn đề đáng lo ngại, tốc độ lây lan càng trầm trọng hơn do biến thể Delta dễ lây lan hơn". Ông Kluge đã cảnh báo trước đó rằng nếu châu Âu tiếp tục ở trong tình hình hiện tại, họ có thể có 500.000 ca tử vong liên quan đến COVID-19 trước tháng 2/2022.
Ông nói: “Chúng ta phải thay đổi chiến thuật của mình, từ phản ứng với sự gia tăng số ca COVID-19, sang ngăn chặn từ đầu". Kluge cho rằng ca Covid-19 tăng vọt và tỷ lệ nhập viện ở châu Âu cao hơn các khu vực khác do không đủ độ phủ tiêm chủng và "nới lỏng các biện pháp xã hội, y tế công cộng".
Khu vực châu Âu đang ghi nhận số ca mắc mới tăng 6% trong tuần trước, tương đương gần 1,8 triệu ca. Số người chết tăng 12% trong cùng kỳ. Châu Âu gồm 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện ghi nhận hơn 78 triệu ca Covid-19, cao hơn tổng ca nhiễm tại Đông Nam Á, khu vực Đông Địa Trung Hải, Tây Thái Bình Dương và châu Phi cộng lại.
Ca Covid-19 hàng ngày ở châu Âu đã tăng gần 6 tuần liên tiếp, trong khi ca tử vong tăng hơn 7 tuần liên tiếp, với khoảng 250.000 ca nhiễm và 3.600 ca tử vong mỗi ngày. Trong 7 ngày qua, Nga ghi nhận số người chết cao nhất với 8.162 người chết, tiếp theo là Ukraine với 3.819 và Romania với 3.100.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, báo cáo 33.949 ca nhiễm mới, mức tăng hàng ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Số ca ở Nga và Ukraine cũng đang tăng vọt. Số ca hàng ngày ở Áo cũng tăng lên gần mức kỷ lục cách đây một năm, khiến cho khả năng nước này phải thực hiện các biện pháp phong tỏa ngày càng nhiều hơn. Tỷ lệ nhiễm virus ở Anh tăng lên mức cao nhất vào tháng 10, Đại học Hoàng gia London cho biết, số lượng ca bệnh ở trẻ em cao và số ca ở phía Tây Nam tăng…
Theo giới quan sát, sóng Covid-19 tại châu Âu trỗi dậy khi thời tiết khu vực này trở nên lạnh hơn do mùa đông. Khi trời lạnh, người dân có xu hướng tụ tập trong các phòng kín để sưởi ấm, ít giao tiếp ngoài trời, khiến virus dễ lây lan hơn.
Theo Hajo Zeeb, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Bremen của Đức, tình hình trở nên tồi tệ hơn khi một bộ phận dân chúng châu Âu chần chừ tiêm vaccine, gọi đây là "đại dịch của những người chưa tiêm chủng".
C.Nguyễn