WHO vạch ra ba kịch bản Covid-19 giai đoạn mới
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Cụ thể, kịch bản đầu tiên, dễ xảy ra nhất là Covid-19 tiếp tục phát triển, song không còn nghiêm trọng như trước do cộng đồng có miễn dịch tự nhiên hoặc từ vaccine.
"Các ca nhiễm tăng đột biến theo chu kỳ, vẫn có ca tử vong khi khả năng miễn dịch suy giảm. Các nước có thể cần tiêm phòng định kỳ cho nhóm dễ tổn thương", ông nói.
Ở kịch bản khả quan nhất, thế giới sẽ ghi nhận thêm các biến chủng ít nghiêm trọng hơn, không cần tiêm nhắc lại hoặc phát triển các loại vaccine mới.
Trong trường hợp xấu nhất, biến chủng virus nguy hiểm sẽ xuất hiện. Nó làm suy yếu hiệu quả của vaccine hoặc miễn dịch tự nhiên, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên.
Để giải quyết tình trạng này, các chuyên gia cần nhanh chóng điều chỉnh vaccine, đảm bảo chúng vẫn bảo vệ được người dễ chuyển nặng nhất.
Để kết thúc giai đoạn cấp tính của đại dịch, WHO cho rằng các quốc gia nên đầu tư vào 5 yếu tố cốt lõi.
Đầu tiên là giám sát, xét nghiệm và báo cáo tình trạng sức khỏe cộng đồng. Thứ hai là tiêm chủng và thực hiện các biện pháp phòng dịch ở cấp độ xã hội.
Tiếp theo, giới chức cần phục hồi nhanh chóng hệ thống y tế, chăm sóc, điều trị lâm sàng cho người mắc Covid-19. Thứ tư, giới khoa học cần nghiên cứu và phát triển, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công bằng với các nguồn lực y tế.
Cuối cùng, mỗi quốc gia nên phối hợp, điều chỉnh phản ứng từ chế độ khẩn cấp sang xử lý Covid-19 như một mầm bệnh hô hấp lâu dài.
Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, cho biết virus "vẫn còn rất nhiều năng lượng", thế giới sẽ bước sang năm thứ ba của đại dịch. Tuần trước, toàn cầu ghi nhận hơn 10 triệu ca mắc mới và 45.000 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn nhiều vì tỷ lệ xét nghiệm giảm xuống.
WHO đã cập nhật kế hoạch Chuẩn bị Chiến lược, Sẵn sàng Ứng phó Dịch bệnh, đề ra các bước cần thiết mà mọi quốc gia cần thực hiện để giải quyết tác nhân lây truyền Covid-19, giảm thiểu tác động của virus và chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Theo WHO, tiêm chủng vẫn là công cụ mạnh mẽ nhất để cứu sống cộng đồng. Tổ chức khuyến khích các nước tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số, nhằm đưa thế giới trở về cuộc sống bình thường.
SƠN HÀ