Anh, Na Uy chỉ tiêm một liều vaccine Covid-19 cho thiếu niên
Theo Bộ Y tế Na Uy, việc tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em chưa quá cấp thiết. Đây là nhóm ít nguy cơ chuyển nặng khi mắc Covid-19. Bên cạnh đó, một liều vaccine đủ để bảo vệ 85% khỏi mầm bệnh trong tối đa 16 tuần. Viện Y tế Công cộng Na Uy (FHI) cho biết: "Tiêm liều hai cũng có thể gặp nguy cơ viêm màng ngoài tim và viêm cơ tim, đặc biệt là nam giới". FHI sẽ đánh giá lại tình hình vào đầu năm 2022, sau khi thu thập thêm thông tin từ các nghiên cứu đang được thực hiện tại Bắc Âu.
Động thái của Na Uy giống với Anh. Vào tháng 9, Anh quyết định tiêm một liều vaccine Pfizer cho trẻ từ 12 đến 16 tuổi. Các cố vấn y tế Vương quốc Anh (CMOs) kết luận dù lợi ích trực tiếp của vaccine với trẻ em chưa lớn, việc tiêm chủng giúp giảm nguy cơ phải nghỉ học nếu dịch bệnh bùng phát tại các trường. Ủy ban Hợp tác Tiêm chủng (JCVI) cho biết chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng vì "lợi ích và rủi ro của vaccine đối với trẻ nhỏ rất cân bằng".
Jeremy Brown, Giáo sư về Nhiễm trùng đường hô hấp tại Đại học College London, nhận định JCVI chỉ có thể xem xét các lợi ích về y tế từ vaccine. Trong khi đó, CMOs được quyền đánh giá các yếu tố phi y tế, bao gồm cả tác động của vaccine lên thời gian học tập và sức khỏe tinh thần của các em. "JCVI đưa ra tuyên bố hoàn toàn dựa trên cơ sở y tế. Ở thanh thiếu niên khỏe mạnh, Covid-19 ít khi gây ra triệu chứng nặng, có nghĩa là không nhất thiết phải sử dụng vaccine ở góc độ ngăn ngừa bệnh tật", ông nói. Song ông cũng thừa nhận tác động của đại dịch đối với giáo dục và tinh thần của các em. Như vậy, quyết định tiêm một liều của CMOs nhằm đưa ra cách tiếp cận khác là tương đối phù hợp.
Đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) cũng có quyết định tương tự Anh và Na Uy. Tháng 9, nhóm chuyên gia y tế đã khuyến cáo trẻ em từ 12 đến 17 tuổi chỉ nên tiêm một liều vaccine.
Giáo sư Lau Yu-lung, trưởng ban cố vấn của chính quyền về chương trình tiêm chủng thừa nhận các tác dụng phụ sau tiêm phổ biến hơn ước tính ban đầu. Các chuyên gia khuyến cáo tiêm một liều vaccine để "giảm đáng kể rủi ro viêm tim". "Nguy cơ Covid-19 ở Hong Kong thấp. Như vậy, một liều cũng đủ để bảo vệ trẻ em", ông Lau nói.
Theo dữ liệu chính thức, tính đến cuối tháng 8, Hong Kong ghi nhận 41 trường hợp viêm tim sau tiêm vaccine Pfizer, tương đương tỷ lệ 0,0009%.
Giáo sư Aaron Glatt, phát ngôn viên của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ, Chủ nhiệm Khoa y Bệnh viện Mount Sinai South Nassau, nhận định: "Chiến lược này chắc chắn nên được cân nhắc. Nó tạo lợi thế về cả lý thuyết và thực tế nếu hiệu quả. Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu phù hợp để chứng minh đây là cách tiếp cận tiêu chuẩn".
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), những người bị viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim đáp ứng tốt với thuốc điều trị và phục hồi nhanh chóng. CDC lưu ý: "Các ca bệnh này tương đối hiếm. Lợi ích và tiềm năng từ tiêm chủng lớn hơn rủi ro, bao gồm cả viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim".
Trích báo cáo của CDC, tiến sĩ Fred Davis, Phó chủ tịch của Hệ thống Y tế Northwell, Mỹ, cho biết tỷ lệ viêm cơ tim là 40,6 trên một triệu nam giới 12-29 tuổi tiêm liều thứ hai vaccine mRNA.
Các chuyên gia cho biết việc tiêm một hay hai liều vaccine cần được cân nhắc trong hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia. "Rủi ro mắc Covid-19 nghiêm trọng ở trẻ em là không đáng kể. Vì vậy, bạn cần đảm bảo vaccine đang sử dụng cho trẻ phải cực kỳ an toàn", tiến sĩ Jeremy Brown, Đại học College London, nhận định.
Đ.Linh