Bát nháo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Hàng trăm các mã hàng là mỹ phẩm, TPCN được bầy bán trong kho Nhà Lọ Lem nghi là ‘hàng giả” không có tem, không có số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm.
Mỹ phẩm giả tràn lan thị trường
Tình trạng mỹ phẩm, TPCN giả tràn lan trên thị trường là vấn đề nhức nhối đã nhiều năm nay. Dẫu biết hệ lụy về sức khỏe khi sử dụng phải hàng giả là rất lớn nhưng với công nghệ bao bì ngày càng hiện đại, hàng giả có có thể giống hàng thật đến hơn 90%. Điều này, khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt hàng thật và hàng giả khi mua.
Trên các chợ mạng, hoạt động buôn bán mỹ phẩm, TPCN giả cũng nhộn nhịp không kém. Do hiện nay, xu hướng tiêu dùng thay đổi, người dân có nhu cầu mua hàng trực tuyến nhiều hơn. Mặt khác, khi bán hàng qua mạng, các đối tượng bán hàng giả cũng dễ dàng qua mặt cơ quan quan lý khi không có gian hàng cố định, hàng hóa vận chuyển qua đường bưu điện.
Ngoài ra, một số quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn bất cập, nhất là việc xác định xuất xứ hàng giả. Vì vậy mà nạn mỹ phẩm, TPCN giả, kém chất lượng không những không giảm mà ngày càng gia tăng.
Để tuyên truyền, cảnh báo cho người tiêu dùng về tình trạng mỹ phẩm, TPCN giả, không rõ nguồn gốc đang bày bán tràn lan trên thị trường, nhóm PV tòa soạn Sức khỏe & Môi trường triển khai thực hiện chuyên đề “Bát nháo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ”. Qua đó, phản ánh các thủ đoạn phức tạp và tinh vi của thị trường mỹ phẩm, TPCN nói chung và Mỹ phẩm Nhà Lọ Lem buôn bán nghi hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, không có số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm nhằm qua mặt cơ quan chức năng và người tiêu dùng.
Một trong số các sản phẩm là Dầu Xả OGX Thick And Full Biotin & Collagen Conditioner 385ml của Mỹ công dụng chính ngăn ngừa rụng tóc hiệu quả, được Bà Hiền thừa nhận không có giấy tờ và bị các cơ quan chức năng xử phạt vẫn được bầy bán công khai tại kho hàng.
Thủ đoạn tinh vi của người bán hàng
Các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái kém chất lượng ngày càng chuyên nghiệp với nhiều chiêu thức tinh vi. Thay vì bày bán tại những điểm cố định như cửa hàng, chợ truyền thống sẽ dễ bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, các đối tượng này thường bán hàng trên mạng và phân tán kho hàng ở nhiều nơi. Nếu bị phát hiện, hoạt động vi phạm chỉ tạm lắng xuống trong khoảng thời gian bị kiểm tra xử lý, sau đó đối tượng lại thay đổi địa điểm và hoạt động lại.
Đặc biệt, chiêu trò mà người bán dùng để bẫy khách hàng online là đưa hình ảnh quảng cáo là sản phẩm chính hãng nhưng lại là hàng kém chất lượng cho khách. Các mặt hàng này thường không có tem mác theo quy định, để qua mặt người tiêu dùng người bán thường giới thiệu là hàng chính hãng nhập khẩu trực tiếp, hàng xách tay, săn được lô hàng đợt khuyến mãi nên giá siêu rẻ.
Theo lời giới thiệu của người bán mỹ phẩm, TPCN Nhà Lọ Lem online, PV tìm đến kho phân phối mỹ phẩm chính hãng Nhà Lọ Lem tại số 9, ngõ 381 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội. Có mặt tại đây, PV không khỏi ngỡ ngàng khi địa điểm kinh doanh nằm ngay sát mặt đường, trên tầng 2 của tòa nhà, bầy bán hàng trăm loại mỹ phẩm, TPCN không tem mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ mà không bị các cơ quan quản lý thị trường xử lý. Theo tìm hiểu, kho phân phối mỹ phẩm này đã hoạt động kinh doanh trên 10 năm ở các địa điểm khác nhau như : 54 Hoa Bằng, Cầu Giấy, Số 6A, ngõ 121 Chùa Láng, số 10/185 phố Chùa Láng, số 9, ngõ 381 Nguyễn Khang… Các mặt hàng chủ yếu Nhà Lọ Lem được quảng cáo là hàng chính hãng nhập khẩu từ Hàn, Nhật, Úc, Pháp, Mỹ …bao gồm: mỹ phẩm các loại, TPCN, thậm chí có cả thuốc cũng được bầy bán như: viên uống trắng da trị nám, viên uống bổ khớp Kirkland Glucosamine, vitamin tổng hợp cho bà bầu, viên uống bổ não, thuốc cảm cúm Nhật Bản Taisho Pabron Gold, thuốc điều trị các triệu trứng ho Astomin…Gía dao động của các mặt hàng này từ vài chục nghìn cho đến tiền triệu. Sản phẩm chủ yếu được phân phối cho khách nhập sỉ ở các nơi, với giá rất “mềm”. Hàng ngày có 3 –5 nhân viên chốt đơn, mỗi ngày có hàng trăm gói hàng được vận chuyển đi bán ở khắp mọi nơi.
Bà Quách Thị Thu Hiền – Chủ hệ thống phân phối mỹ phẩm, TPCN sỉ Nhà Lọ Lem.
Theo quan sát của PV, kho hàng Nhà Lọ lem rộng khoảng 50m2, chia làm 2 phòng, các mặt hàng được bày bán rất đa dạng. Trao đổi với chủ cửa hàng, Bà Quách Thị Thu Hiền cho biết: “trong kho nhà em lúc nào cũng có khoảng vài trăm mã sản phẩm chủ yếu là hàng xách tay chiếm khoảng 70% - 80%” nhập từ Hàn, Pháp, Mỹ, Nhật, chỉ có một số mã hàng là nhập qua công ty có hóa đơn.” Đa số các mặt hàng mỹ phẩm, TPCN “nhập ngoại” của Nhà Lọ Lem đều bán giá thấp hơn so với thị trường rất nhiều. Trên trang web bán hàng trực tuyến “nhalolem.com”, có rất nhiều mỹ phẩm, TPCN chính hãng được rao bán với lời chào giảm giá cực sốc. Ví dụ như Vitamin cho bà bầu Nature Made Prenatal Multi + DHA là một giải pháp lý tưởng cho các bà mẹ, phụ nữ đang mang thai, những phụ nữ đang mong muốn mang thai. Nature Made Prenatal Multi + DHA bao gồm các chất dinh dưỡng thiết yếu của vitamin tổng hợp với hàm lượng 200 mg DHA có trong 01 viên uống sản phầm đang bán 650.000 giảm xuống còn 585.000đ. Viên uống trắng da trị nám TRANSAMIN 500MG 10 vỉ 100 viên của Nhật đang bán 750.000đ giảm xuống còn 450.000đ hay viên uống bổ sương khớp GLUCOSAMINE ORIHIRO 900 viên đang bán 650.000 đồng còn 539.000 đồng. Nếu mua với số lượng từ 3 sản phẩm trở lên còn được chiết khấu thêm.
Một người tiêu dùng chuyên mua các sản phẩm chính hãng tại các công ty cho biết: “Thông thường các hãng mỹ phẩm càng nổi tiếng thì càng ít có chương trình giảm giá sâu, giá bán của hàng chính hãng do chính nhà cung cấp niêm yết giá như nhau ở tất cả các thị trường trên thế giới. Do đó, việc sản phẩm chính hãng có mức giá rẻ hơn 50% so với giá nhà cung cấp niêm yết là điều không thể có. Chỉ có thể là hàng nhái, hàng kém chất lượng mới có mức giá như thế này”.
Cầm trên tay sản phẩm Dầu Xả OGX Thick And Full Biotin & Collagen Conditioner 385ml của Mỹ công dụng chính ngăn ngừa rụng tóc hiệu quả, kích thích mọc tóc, giúp dưỡng tóc chắc khỏe, mềm mượt, bồng bềnh. PV có hỏi mặt hàng này có giấy tờ không? Bà Hiền cho biết: “Sản phẩm này là hàng xách tay, không có giấy tờ. Chính vì thế, cách đây hơn 1 tháng, đội kinh tế và đội quản lý thị trường số 13 đến kiểm tra nhà em, lập biên bản và xử phạt gần 20 triệu đồng”. PV có đề cập, tại sao các sản phẩm bày bán không có nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ hải quan mà Đội quản lý thị trường số 13 không tịch thu và tiêu hủy. Bà Hiền thản nhiên đáp “Trong các mặt hàng ở đây cũng có hàng có giấy tờ, họ mà thu hết thì em nghỉ bán à”. Đúng lúc ấy, PV có đề nghị Bà Hiền cung cấp giấy tờ của một số sản phẩm. Tuy nhiên sau nhiều lần hứa hẹn đến nay đã nhiều ngày trôi qua Bà Hiền vẫn không cung cấp được các giấy tờ có liên quan đến sản phẩm mà Bà nói.
Các loại TPCN, được rao bán rầm rộ trên các trang mạng với giá rẻ bằng một nửa của các sản phẩm chính hãng
Hoạt động kinh doanh “Nhà Lọ lem” dù bán các loại mỹ phẩm, TPCN không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem phụ, không có giấy tờ hải quan, không có Giấy đăng ký kinh doanh chỉ bị lập biên bản xử phạt hành chính với số tiền gần 20 triệu đồng, các sản phẩm vi phạm thì không hề bị tịch thu và tiêu hủy. Phải chăng do lực lượng chức năng xử lý chưa nghiêm, thiếu trách nhiệm nên hành vi buôn bán hàng giả mới ngày càng lộng hành ?
Trước những thực trạng bát nháo về mỹ phẩm, TPCN giả tràn làn trên thị trường nói chung và của hệ thống kinh doanh Nhà Lọ Lem nói riêng, tòa soạn Sức khỏe & Môi trường khuyến cáo đến người tiêu dùng, đừng nên ham rẻ nên cẩn thận tìm hiểu trước sản phẩm, chọn mua những sản phẩm có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, có tem chống hàng giả, thương hiệu có uy tín, xem kỹ mã vạch hoặc quét mã QR có trên sản phẩm.
Để góp phần bảo vệ sức khỏe và tránh thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng. Kính đề nghị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Công an thành phố Hà Nội và Quản lý thị trường nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, thu giữ những sản phẩm nghi ngờ là hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ và giấy tờ hải quan. Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật để làm sạch môi trường kinh doanh về mỹ phẩm trong thời gian tới.
Nhóm PV
Được biết, ngày 28/7, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có Công văn số 7261 /QLD-MP gửi Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm, đề nghị xử lý nghiêm tình trạng mỹ phẩm được quảng cáo là hàng xách tay không rõ nguồn gốc, chất lượng hiện bán tràn lan trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử. Đặc biệt trong mục 4 của Công văn số nêu rõ: “Xử lý, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, buôn bán mỹ phẩm theo quy định hiện hành. Thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho người sử dụng.” Theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trường hợp sản xuất và buôn bán mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật. Mức phạt tiền cao nhất lên đến 100 triệu đồng và bị buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. |