Bệnh đậu mùa khỉ lan rộng trên thế giới, Bộ Y tế Việt Nam họp bàn phương án ứng phó dịch đậu mùa khỉ.
Lãnh đạo Bộ Y tế, Văn phòng WHO tại Việt Nam, US CDC tại Việt Nam và các vụ, cục, viện đã họp khẩn cấp để bàn phương án ứng phó dịch.
Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Đến nay, hơn 16.000 trường hợp mắc đậu mùa khỉ đã được báo cáo trên 75 quốc gia, trong đó có 5 trường hợp tử vong. PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cũng bày tỏ mong muốn WHO, CDC Mỹ hỗ trợ một số đơn vị ở Việt Nam các hóa chất, sinh phẩm để dùng phát hiện trường hợp nghi ngờ và ca bệnh đậu mùa. Ông mong muốn Bộ Y tế, WHO, CDC có khuyến cáo tạm thời dùng một số hóa chất sinh phẩm dùng trong nghiên cứu, phòng xét nghiệm trong tình huống cần khẩn cấp, tạm thời để sàng lọc ca nhiễm.
Cuộc họp khẩn của Bộ Y tế, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện Viện cùng Bộ Y tế đang đề nghị WHO cập nhật thêm quy trình chẩn đoán vì chúng ta chưa có quy trình chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ trong phòng thí nghiệm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định: "Việt Nam chưa có ca bệnh song phải xây dựng kịch bản phản ứng với dịch cho các tình huống có ca bệnh, ca nhập cảnh, ca bệnh trong cộng đồng… khi có kịch bản, xử lý nhanh và sẵn sàng ứng phó. Hàng tuần, Cục Y tế dự phòng làm đầu mối họp với các đơn vị để cập nhật tình hình thống nhất các biển pháp triển khai trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, cần có công điện gửi ngay cho các tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan để cùng phối hợp thực hiện"
Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người, việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Các chuyên gia bàn phương án ứng phó dịch bệnh đậu mùa khỉ
Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Tuy nhiên, bệnh này không được xác định là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Thời gian ủ bệnh thường từ 6-13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5-21 ngày.
Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.Theo WHO, tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh theo thống kê trước đây dao động từ 0-11% nói chung và cao hơn ở trẻ nhỏ. Theo US-CDC, tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ liên quan đến nhóm virus đậu mùa khỉ nhánh Tây Phi là 1%, và có thể cao hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch.
Trong đợt dịch bệnh này, chủ yếu các ca bệnh được báo cáo là nam giới. Họ là đồng giới nam, lưỡng giới (99% xảy ra tại Anh, Tây Ban Nha, Mỹ, Canada) và những người có quan hệ đồng giới nam. Đối tượng này ở khu vực thành thị, và là những người tham gia trong nhóm trong mạng xã hội, tình dục ở khu vực châu Âu, Bắc Mỹ. Ngoài ra, cũng ghi nhận sự gia tăng số lượng ca bệnh tại các quốc gia khu vực Tây, Trung Phi.
Việt Nam đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch đậu mùa khỉ
Hiện nay, tốc độ lây lan của dịch nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng. Nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao. Tại Việt Nam, nguy cơ ca bệnh xâm nhập vào là rất lớn. Theo WHO, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 1 khuyến cáo là nhóm các quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ hoặc không ghi nhận ca bệnh trong vòng 21 ngày.
Bộ Y tế đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về tăng cường giám sát bệnh đậu mùa khỉ; chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, chuẩn bị sẵn sàng sinh phẩm xét nghiệm phục vụ chuẩn đoán, xác định ca bệnh, các Sở Y tế tăng cường hướng dẫn giám sát ca bệnh theo hướng dẫn.
Trước mắt Việt Nam kích hoạt Văn phòng đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (PHEOC) của Bộ Y tế tại Cục Y tế dự phòng và 4 Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur. Ngoài tăng cường truyền thông, cập nhật hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phòng, chống và điều trị, Cục Y tế Dự phòng nhấn mạnh việc củng cố năng lực xét nghiệm chẩn đoán, xác định tại các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, các cơ sở y tế có năng lực. Cục Y tế dự phòng cũng cho rằng, cần phải đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, theo đó cân nhắc việc khôi phục khai báo y tế trở lại tại một số quốc gia ghi nhận ca bệnh lớn, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.
Hình ảnh hiển vi điện tử một chủng đậu mùa khỉ.
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Trọng Lân, ngay từ tháng 5/2022, Việt Nam đã liên tục liên hệ với WHO, US-CDC, cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế và các tổ chức khác để cập nhật trao đổi, tin tức về tình hình dịch bệnh nhằm báo cáo lãnh đạo Bộ, cung cấp thông tin đến các cơ quan truyền thông, người dân.Từ kinh nghiệm từ việc ứng phó với dịch bệnh Covid-19 vừa qua; trước nguy cơ các ca bệnh xâm nhập vào nước ta đòi hỏi chúng ta cần phải hết sức chủ động và quyết liệt trong công tác dự phòng, ứng phó thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Cục trưởng Nguyễn Trọng Lân đặc biệt lưu ý giám sát các trường hợp có tiền sử về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng. Ông cũng nhấn mạnh: "Các địa phương cập nhật, lập kế hoạch dự phòng sẵn sàng dự phòng, đáp ứng với dịch bệnh có thể được ghi nhận tại Việt Nam, không để lúng túng, bị động"
Phương Dung