Cần làm rõ trách nhiệm trong việc dùng phế thải san lấp đất nông nghiệp, đất dự án
Thời gian qua, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản quy định việc quản lý phế thải, chất thải rắn xây dựng khá chặt chẽ. Theo đó mạng lưới điểm trung chuyển, xử lý chất thải đã được quy hoạch. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng phế thải, chất thải xây dựng vẫn đổ tràn lan để san lấp mặt bằng đất nông nghiệp, ao hồ, đất dự án. Điều này đang là vấn đề “nóng”, gây bức xúc trong xã hội và để lại nhiều hệ lụy cho môi trường.
Để ngăn chặn tình trạng đổ thải trái phép nhằm bảo vệ môi trường (BVMT), Tòa soạn Sức khỏe & Môi trường triển khai Chuyên đề: “Tăng cường công tác quản lý chất thải, phế thải tránh tác động xấu tới môi trường", với mong muốn tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật trong BVMT, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp và nhận thức của người dân đối với các vấn đề về môi trường.
Để minh chứng cho Chuyên đề, qua khảo sát nhận diện thực trạng tại một số phường Lĩnh Nam, Yên Sở, Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho thấy, tình trạng chất thải, phế thải xây dựng được vận chuyển để đổ trộm, tập kết san lấp mặt bằng diễn ra công khai cả ngày lẫn đêm trong suốt thời gian dài nhưng chưa được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm trở thành điểm “nóng” tồn tại trên địa bàn.
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 22/3 tại phường Lĩnh Nam: Có hàng nghìn m2 đất ao đang bị san lấp 1/3 diện tích với đủ các loại rác thải, phế thải như: Rác sinh hoạt, trạc xây dựng, bùn thải có chứa tạp chất, rễ cây, gạch ngói, bàn ghế hỏng, lốp cao su… Ngay bên cạnh khu vực san lấp là bãi tạm giữ phương tiện vi phạm của quận Hoàng Mai.
Tương tự tại phường Yên Sở, Thịnh Liệt có hàng nghìn m2 đất nông nghiệp, đất dự án đang bị san lấp bởi nhiều loại rác thải, phế thải. Phế thải, đất thải san lấp đến đâu nhanh chóng được san gạt trở thành điểm tập kết phương tiện, bãi giữ xe.
Ông Nguyễn Văn T., người dân thường xuyên đi qua đoạn đường này cho biết, nhiều năm qua thường xuất hiện hàng loạt xe tải các loại, xe tự chế ngang nhiên vận chuyển rác thải, phế thải xây dựng đến đây để san lấp khiến cảnh quan môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo bà Lê Thị H., người dân sinh sống gần một bãi tập kết phế thải xây dựng: Đất ở khu vực này chủ yếu là đất nông nghiệp, thời gian gần đây tình trạng đổ trộm rác thải, phế thải xây dựng tại đây gia tăng, nhiều hôm tôi đi qua đây thấy họ đổ cả ban ngày, rác chất thành đống lớn, sau vài ngày lại thấy máy xúc san lấp tạo mặt bằng và xuất hiện sân bóng, bãi giữ xe, nhà kho… điều lạ là không thấy cơ quan chức năng nào xử lý.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 29/3, phóng viên có buổi trao đổi làm việc với ông Trần Việt Cường - Phó Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam, cho biết: Chúng tôi đã nắm được nội dung và xác minh vị trí san lấp mà báo chí phản ánh thuộc đất của dự án Khu công nghiệp Vĩnh Tuy giai đoạn 2 do Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Ban quản lý dự án quận Hoàng Mai quản lý. Vừa qua công an phường Lĩnh Nam tuần tra mật phục, tuy nhiên chưa bắt được phương tiện, cá nhân nào đổ phế thải vào san lấp. Sau đó, phường chỉ đạo cho múc đi mấy xe vận chuyển về Đông Anh để xử lý. Nhưng số lượng lớn quá, không thể xử lý hết được. Sắp tới phường sẽ cho rào chắn để ngăn chặn việc việc này và báo cáo Trung tâm quỹ đất, Ban quản lý dự án để quản lý.
Trao đổi của Phó Chủ tịch phường Lĩnh Nam là vậy, nhưng theo ghi nhận thực tế ngày 5/4, mặc dù phía bên ngoài đất ao thuộc dự án Khu công nghiệp Vĩnh Tuy giai đoạn 2, được rào chắn bởi hàng rào thép B40, nhưng số lượng rác thải, phế thải chuyển về đây ngày càng nhiều hơn so với khối lượng ghi nhận trước đó. Mặt khác qua trao đổi với người phụ trách bãi chôn lấp chất thải rắn tại Đông Anh phủ nhận không tiếp nhận khối lượng chất thải rắn nào từ phường Lĩnh Nam chuyển qua. Vậy câu hỏi đặt ra, liệu cổng hàng rào thép B40 được phường Lĩnh Nam rào chắn để ngăn chặn việc đổ thải trái phép có phát huy tác dụng khi lượng chất thải chuyển về đây san lấp ngày hôm sau nhiều hơn ngày hôm trước, cùng với đó khối lượng rác thải được phường Lĩnh Nam múc vận chuyển về Đông Anh đang đi đâu về đâu khi bên xử lý phủ nhận không tiếp nhận lượng chất thải nào từ phường này.
Theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 64 Luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất sẽ bị nhà nước thu hồi đất. Theo đó, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Mặt khác, tại khoản 3, điều 3, Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, quy định: "Gây ô nhiễm đất là trường hợp đưa vào trong đất các chất độc hại hoặc vi sinh vật, ký sinh trùng có hại cho cây trồng, vật nuôi, con người". Cũng theo Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/05/2017 về quản lý chất thải rắn xây dựng. Trong đó, quy định chất thải xây dựng phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng. Việc vận chuyển phải theo thời gian và lộ trình về tuyến đường, ATGT; Trong quá trình vận chuyển, phương tiện vận chuyển phải đảm bảo không làm rò rỉ, rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, gây ô nhiễm môi trường. |
Vấn nạn đổ thải trái phép diễn ra tại các phường trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) nêu trên, ngoài ý thức và lợi ích của một số nhóm đối tượng, còn là hệ quả của công tác buông lỏng quản lý đất đai, môi trường. Thiết nghĩ, chính quyền các cấp quận Hoàng Mai và các đơn vị chức năng có thẩm quyền cần vào cuộc kiểm tra làm rõ việc cá nhân, tổ chức nào mang phế thải, rác thải vào san lấp mặt bằng đất nông nghiệp, đất dự án gây hủy hoại đất đai, môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân quanh khu vực.
Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận của phóng viên về tình trạng đổ thải trái phép gây ô nhiễm môi trường tại các phường trên địa bàn quận Hoàng Mai.
Khu đất ao thuộc dự án khu công nghiệp Vĩnh Tuy nằm trên địa bàn phường Lĩnh Nam đang bị hủy hoại bởi đủ loại rác thải, phế thải gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, sức khỏe người dân. |
Hoạt động đốt rác công khai gây mùi khét và khói, nhưng không được ngăn chặn.
|
Mặc dù đã được rào chắn, nhưng hàng ngày khối lượng rác thải vẫn được vận chuyển về đây để san lấp ngày một lớn. |
Khu vực san lấp trên địa bàn phường Yên Sở đang gây tác động xấu tới môi trường đất đai |
Khu vực đất nông nghiệp phường Thịnh Liệt biến thành nơi tập kết chất thải xây dựng |