Chuyên gia y tế thế giới: Đậu mùa khỉ không gây đại dịch
"Chúng tôi không biết rõ nhưng tình hình có thể sẽ không trở nên tồi tệ như vậy. Hiện tại, chúng tôi không lo ngại về một đại dịch toàn cầu” - bà Lewis trả lời.
WHO cho rằng virus này không nguy hiểm như Covid-19 vì đã được biết đến trước đó, sẵn có của vaccine và phương pháp điều trị.
Theo WHO, đã có hơn 300 ca nhiễm và nghi nhiễm đậu mùa khỉ trên thế giới trong tháng 5, hầu hết là tại châu Âu. Cơ quan y tế thế giới đang xem xét liệu đợt bùng phát này có nên được đánh giá ở mức độ "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần được quốc tế quan tâm (PHEIC)” hay không.
WHO đã từng đưa ra mức độ đánh giá như vậy đối với Covid-19 và Ebola, động thái này giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và tài trợ của các nước để ngăn chặn dịch bệnh.
“Sau khi mắc bệnh đậu mùa khỉ, thời gian phát ban và đóng vảy được coi là thời kỳ bệnh dễ lây nhiễm nhất, song hiện có rất ít thông tin về việc liệu những người mắc bệnh nhưng không có triệu chứng có khả năng lây lan virus hay không” - bà Lewis cho biết.
Theo bà, tất cả ca mắc bệnh đậu mùa khỉ từ trước đến giờ cho thấy những người không có triệu chứng không thể lây virus, tuy nhiên điều này còn cần phải được xác định kỹ hơn.
Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về bệnh đậu mùa khỉ cho hay chủng virus liên quan đến đợt bùng phát hiện tại có một phần nhỏ khả năng gây nguy hiểm tính mạng đối với những người bị nhiễm bệnh, nhưng đến nay vẫn chưa có trường hợp tử vong nào được báo cáo.
Bên cạnh đó, việc hầu hết ca nhiễm không xuất hiện tại các khu vực thường thấy của bệnh là Trung và Tây Phi và hầu như cũng không liên quan đến việc đi lại cũng là một vấn đề đáng lo ngại.
Do đó, các chuyên gia của WHO đang cố gắng xác minh nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng bất thường của những ca bệnh ở những quốc gia không thuộc vùng lưu hành bệnh, trong khi một số cơ quan y tế trên thế giới đang nghi ngờ có sự lây nhiễm cộng đồng ở một mức độ nào đó.
Theo Giáo sư sinh học và miễn dịch học Eric Muraille thuộc Đại học Tự do Brussels (ULB), không nên chủ quan khi đánh giá về mức độ lây lan của bệnh đậu mùa khỉ ở châu Âu, dù hiện nay tốc độ lây lan mới chỉ ở mức thấp. Bởi nếu không được vô hiệu hóa kịp thời, bệnh có thể lây truyền từ người sang một số loài “thú cưng” trong gia đình và tạo thành các ổ chứa virus rất khó loại bỏ.
Giáo sư Muraille nhấn mạnh việc xuất hiện nhiều ca bệnh ở các nước phương Tây hiện nay cho thấy có thể virus đã âm thầm lây lan trong một thời gian. Vì thế, đây là thời điểm quan trọng để kiểm soát dịch bệnh và cần phải thực hiện mọi biện pháp để cắt đứt chuỗi lây nhiễm nhằm tránh nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ sẽ trở thành một căn bệnh đặc hữu ở châu Âu.
Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nổi tiếng đang thúc đẩy các cơ quan y tế toàn cầu hành động nhanh hơn để ngăn chặn một đợt bùng phát bệnh, theo Reuters. Họ lập luận rằng các chính phủ và WHO không nên lặp lại những sai lầm trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 vốn khiến việc phát hiện ca bệnh chậm trễ và tạo điều kiện cho virus lây lan.
Các nhà khoa học này cho biết mặc dù bệnh đậu mùa khỉ không có khả năng lây truyền hoặc nguy hiểm như Covid-19, nhưng vẫn cần có hướng dẫn rõ ràng hơn về cách một người bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ nên cách ly, lời khuyên rõ ràng hơn về cách bảo vệ những người có nguy cơ và cải thiện xét nghiệm và truy vết.
HOÀNG HOA