Để ung thư vú không còn là “nỗi ám ảnh” đối với phụ nữ
Khoảng một nghìn phụ nữ, trong độ tuổi từ 35 đến 53 đã được khám sàng lọc và phát hiện sớm bệnh ung thư vú (UTV) miễn phí tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế trong ngày hôm qua, 20-4.
Chị em đến khám sàng lọc và phát hiện sớm bệnh UTV miễn phí tại Bệnh viện đa khoa T.Ư Huế.
Đây là hoạt động kế tiếp nằm trong dự án “Vì phụ nữ, vì ngày mai” (We care for her) do Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng, Bộ Y tế triển khai.
Chính thức khởi động từ tháng 12-2013 với các kế hoạch hành động nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ phụ nữ trong việc tầm soát sớm, phòng chống và điều trị UTV, đây cũng là dự án đầu tiên mang ý nghĩa nhân văn rất lớn, với cam kết đẩy lùi căn bệnh được cho là " nỗi ám ảnh” mọi phụ nữ ở Việt Nam, do Tập đoàn Roche tài trợ trong ba năm, từ 2013 đến 2015.
UTV- luôn ám ảnh mỗi phụ nữ
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố rằng số người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trên thế giới hiện đang tăng mạnh, lên tới 14 triệu người mỗi năm. WHO cũng cho biết, đã có sự “tăng đột biến” số ca mắc UTV. Cả tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong đều tăng nhanh, tính từ năm 2008.
Riêng ở Việt Nam, số liệu của Viện Nghiên cứu phòng chống Ung thư cho thấy UTV là căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, với tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 29,9/100.000 phụ nữ. Thế nhưng, nhận thức thấp cũng như kiến thức về căn bệnh nguy hiểm này vẫn chưa được phổ cập rộng rãi. Những hạn chế về mặt truyền thông, tiếp cận thông tin đã khiến người dân không đủ những hiểu biết cần thiết. Người bệnh thường đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn khiến cho hiệu quả điều trị rất hạn chế.
Trong thực tế, 50% bệnh nhân UTV có thể được cứu sống bằng các biện pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và kết hợp với các phương pháp tiên tiến khác như liệu pháp nội tiết tố, sinh học (điều trị nhắm trúng đích). Nhưng điều đó thật không dễ dàng đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam.
Về độ tuổi mắc UTV, đánh giá chung là tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng nhiều. Trong khi đó, tại Việt Nam, xu hướng mắc ung thư vú ở người trẻ (dưới 35 tuổi) đang tăng lên, độ tuổi mắc ung thư vú cũng trẻ hơn so với các nước khác. Đặc biệt, đã phát hiện những trường hợp ung thư vú khi mới 22 tuổi.
Biết sớm, trị lành
Cũng theo số liệu của Viện Nghiên cứu Phòng chống Ung thư Việt Nam, mỗi năm có khoảng 12 nghìn trường hợp mới mắc UTV. Trong đó, 25% số ca được chẩn đoán là dạng có HER2 dương tính (thường gọi là UTV tăng triển bởi sẽ phát triển nhanh hơn so với các trường hợp UTV còn lại). Hiện nay, y học cũng đã có nhiều phương pháp đo đạc sự khuếch đại gene HER2 cũng như biểu hiện tăng số lượng protein do gene này quy định.
Phát hiện quan trọng này được đánh giá là một bước tiến vượt bậc trong việc nghiên cứu, khám sàng lọc, từ đó phát hiện sớm UTV, vốn được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”. Xét nghiệm HER 2 trong quá trình thăm khám và kiểm tra định kỳ sẽ giúp đạt kết quả điều trị khả quan.
Việc điều trị UTV tốt hay xấu tùy thuộc vào giai đoạn bệnh lúc được phát hiện. Nếu được phát hiện sớm thì kết quả rất tốt, có thể đạt tới 100%, khả năng chữa khỏi rất cao, điều trị đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả.
Cùng chung tay đẩy lùi UTV
Là chương trình phòng chống UTV toàn diện đầu tiên với nhiều biện pháp tầm soát trong cộng đồng, mục tiêu mà Dự án phòng chống UTV hướng tới là: góp phần tăng cường nhận thức của cộng đồng về phòng và phát hiện bệnh sớm, tăng cường năng lực của cán bộ y tế các cấp trong công tác chẩn đoán và điều trị nhằm giảm tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian sống cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân không may mắc bệnh.
Giai đoạn một của dự án đang được tích cực triển khai, bằng những hoạt động cụ thể rất hiệu quả. Thứ nhất là nâng cao nhận thức cho cộng đồng về UTV với thông điệp nhân văn: “Cùng chung tay chăm sóc phụ nữ, cùng đẩy lùi bệnh UTV”.
Từ 8 giờ đến 17 giờ ngày 20-4, các bác sĩ cùng chuyên gia tư vấn tại năm phòng khám nằm trong khuôn viên Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế đã nỗ lực làm việc hết công suất, trong khi đông đảo chị em vẫn kiên nhẫn đợi chờ bên ngoài. Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh được chụp nhũ ảnh (mamography) miễn phí ngay tại bệnh viện. Tất cả kết quả khám và chụp được thông báo và trả cho bệnh nhân ngay trong ngày.
Ngoài ra, người dân đến khám còn được tư vấn miễn phí về các thông tin liên quan đến UTV, được tiếp cận với kiến thức phòng chống “kẻ giết người thầm lặng” này thông qua những tờ rơi, tài liệu được phát đến tận tay đối tượng tham gia. Được biết, trước đó vào ngày 14-12-2013, chương trình cũng đã tổ chức khám sàng lọc vú miễn phí cho hơn 1.000 phụ nữ tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội.
Tiếp theo hoạt động tại Huế, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các hệ thống bệnh viện chuyên về ung thư trên toàn quốc tiến hành thực hiện khám và tầm soát miễn phí cho phụ nữ ở một số thành phố khác như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng. Ngoài ra còn các hoạt động huấn luyện chuyên môn cho y, bác sĩ trong công cuộc phòng chống và kiểm soát UTV tại Việt Nam, đặc biệt với UTV có HER2 dương tính.
UTV là hậu quả của sự rối loạn trong quá trình tái sản xuất tế bào, do sự phát triển nhanh, không kiểm soát được của tế bào ống dẫn sữa hoặc của tiểu thùy vú và là căn bệnh gây tử vong cao nhất cho phụ nữ. Đây là loại bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ thuộc trên 140 quốc gia. Trên thế giới, cứ 22 giây có một người bị chẩn đoán mắc bệnh. Mỗi năm có đến 1,4 triệu phụ nữ bị UTV. Và mỗi 5 phút, có ba phụ nữ qua đời vì UTV. Nếu phát hiện trễ, chỉ một trong năm phụ nữ bị UTV đã di căn sống thêm được 5 năm sau chẩn đoán. |
Theo NDĐT