Dự án nạo vét hồ Khe Sanh tại Thanh Hóa: Nguy cơ ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản
Hơn 8 năm Dự án hồ Khe Sanh, phường Trúc Lâm vẫn chưa hoàn thành
8 năm chưa xong Dự án
Để triển khai thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, ngày 17/04/2022 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 95/KH-UBND, trong đó, tỉnh giao các Sở, ngành, đơn vị, UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông trên địa bàn theo quy định của pháp luật…
Tuy nhiên, hoạt động tận thu tài nguyên khoáng sản trên địa bàn từ Dự án nạo vét hồ còn một số tồn tại, hạn chế như: Vẫn còn có doanh nghiệp chưa chú trọng các yêu cầu của UBND tỉnh đưa ra và biện pháp bảo vệ môi trường, thay vào đó chỉ tập trung khai thác khoáng sản, nhiều khu vực trong và ngoài lòng hồ có những tác động không nhỏ đến môi trường, cuộc sống và sản xuất của người dân.
Trước thực trạng này, Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường thực hiện Chuyên đề “Nguy cơ ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản trong nạo vét lòng hồ”, khảo sát thực tiễn tại Dự án cải tạo nâng cấp đường và nạo vét hồ Khe Sanh tại phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Đây là Dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận phương án tại Văn bản số 4389/UBND-NN vào ngày 30/05/2014. Chủ đầu tư là Công ty TNHH xây dựng Hùng Sơn, sau đổi tên thành Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ thương mại Miền Tây Xanh (Công ty Miền Tây Xanh).
Dự án nạo vét hồ Khe Sanh với mục tiêu để tăng khả năng trữ nước của hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước cho Khu Kinh tế Nghi Sơn. Cải tạo, nâng cấp đường Quốc lộ 1A vào hồ tạo điều kiện đi lại và sinh hoạt cho dân cư sinh sống khu vực hồ và được tận thu phế liệu đất, cát từ nạo vét lòng hồ để làm vật liệu san lấp.
Đang trong mùa mưa lũ nhưng đơn vị thi công vẫn khai thác tài nguyên khoáng sản, khiến nước trong hồ có màu đục
Các hạng mục công trình chính gồm: Nạo vét lòng hồ trong phạm vi từ cao trình mực nước dâng bình thường (+9.5) m trở xuống với diện tích 17ha; khối lượng nạo vét khoảng 1,4 triệu m3 đất, cát. Cải tạo, nâng cấp đường bê tông từ Quốc lộ 1A vào hồ dài 1,355km. Dự án được thực hiện trong 5 năm từ 2014 – 2019.
Sau khi hết hạn, ngày 25/4/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 5024/UBND-NN chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện Dự án cho Công ty Miền Tây Xanh đến ngày 30/5/2021. Trong đó nhấn mạnh: Tổ chức nạo vét phần lòng hồ phía hữu, tạo mái xung quanh lòng hồ và tạo mặt bằng khu vực nạo vét; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và có biện pháp lắng lọc phù hợp để hạn chế bùn, sét trở về hồ gây đục nước và ảnh hưởng chất lượng nước; hoàn thiện hồ sơ pháp lý quản lý chất lượng, báo cáo giám sát môi trường trong quá trình thi công theo quy định.
Ngày 5/7/2021, UBND tỉnh tiếp tục có Văn bản số 9636/UBND-NN về việc gia hạn thời gian thực hiện dự án cho Công ty Miền Tây Xanh đến ngày 31/12/2022. Sau đó, Công ty Miền Tây Xanh đã ký hợp đồng ủy quyền thi công cho Công ty cổ phần đàu tư xây dựng và tư vấn Bắc Nam (Công ty Bắc Nam), thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2022.
Vi phạm về môi trường
Những ngày đầu tháng 7/2022, phóng viên đã có mặt khu vực hồ Khe Sanh để khảo sát thực địa. Đã hơn 8 năm trôi qua, nhưng đơn vị thi công chưa thực hiện xong các yêu cầu của UBND tỉnh Thanh Hóa. Qua ghi nhận cho thấy, đơn vị thi công vẫn chưa tạo mái xung quanh lòng hồ và tạo mặt bằng khu vực nạo vét; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định chưa đảm bảo. Không những thế, đang trong mùa mưa lũ, nhưng đơn vị vẫn chưa thanh thải các bãi tập kết cát, đất không có trong phương án, chỉ tập trung khai thác cát khiến nước trong hồ Khe Sanh có màu đục.
Trước đó, ngày 24/11/2021 UBND phường Trúc Lâm có Báo cáo số 936/BC-UBND về tình hình thực hiện Dự án nạo vét hồ Khe Sanh cho thấy: Qua kiểm tra có 02 bãi tập kết mới do Công ty Bắc Nam thực hiện, tuy nhiên đơn vị thi công không áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, không có bể lắng lọc theo quy định, nước trong hồ đục; một số mốc giới đã bị mất chưa được khôi phục; phao ranh giới mặt nước cách bờ đê 100m không còn.
Ngay sau đó, ngày 25/01/2022, UBND thị xã Nghi Sơn đã có Văn bản số 342/UBND-TNMT về việc kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện phương án thi công, nạo vét và tận thu khoáng sản hồ Khe Sanh với nội dung: Đến nay, Công ty không những không khắc phục các tồn tại mà vẫn tiếp tục bơm hút cát lên các vị trí vi phạm đã được yêu cầu phải giải tỏa. Bên cạnh đó, tại khu vực đất lâm nghiệp phía Bắc lòng hồ có tình trạng đào múc đất trái phép, ngoài phạm vi dự án được chấp thuận.
Qua kiểm tra của UBND phường Trúc Lâm cho thấy, Dự án nạo vét hồ Khe Sanh có vi phạm về môi trường
Trao đổi với phóng viên Sức khỏe và Môi trường, ông Phạm Văn Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn cho biết: Hiện nay, phục vụ nước tưới tiêu cho người dân cơ bản đã được đảm bảo, nên tính cần thiết của Dự án nạo vét hồ Khe Sanh, phường Trúc Lâm không còn nhiều hiệu quả. Quan điểm của thị xã là cần sớm dừng Dự án để tránh việc gây khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn. Thị xã cũng đã có Văn bản gửi Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh xem xét chấm dứt Dự án.
Rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, đánh giá tổng thể lại Dự án nạo vét hồ Khe Sanh nhằm tránh những tác động không đáng có đến môi trường trên địa bàn phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn.
PV