Giải pháp vận hành an toàn, hiệu quả và linh hoạt các hồ chứa
Theo đó, Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tạm thời (từ nay đến hết tháng 10-2022) chế độ vận hành các hồ chứa lớn, quan trọng (trong điều kiện bình thường) theo hướng tiết kiệm nguồn nước, linh hoạt.
Nguy cơ đứt gãy nguồn cung nhiên liệu, thiếu hụt nguồn điện
Theo Bộ TN&MT, hiện nay, các hồ chứa trên 11 lưu vực sông đang vận hành trong thời kỳ mùa cạn và về cơ bản, phần lớn mực nước các hồ chứa lớn đều đang cao hơn mực nước tối thiểu quy định trong quy trình vận hành liên hồ chứa. Tuy nhiên, theo dự báo khí tượng thủy văn, trong các tháng còn lại của mùa cạn năm 2022, về tổng thể, lượng mưa cũng như lượng dòng chảy ở các lưu vực sông thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 10-40% tùy từng vùng.
Tổng lượng nước đến các hồ thủy điện vừa và lớn thuộc quy trình liên hồ dự báo thiếu hụt theo tùy từng khu vực. Việc thiếu hụt dòng chảy trên các lưu vực sông có nguy cơ làm giản khả năng đảm bảo nhu cầu sử dụng nước phía hạ du các hồ chứa lớn. Theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa, để đảm bảo việc điều tiết cấp nước cho hạ du trong suốt thời gian mùa cạn thì các hồ chứa lớn, quan trọng đảm bảo duy trì mực nước hồ theo đúng quy định và yêu cầu về duy trì dòng chảy tối thiểu và đảm bảo lưu lượng đáp ứng các nhu cầu sản xuất, dân sinh và nhu cầu thiết yếu của nhân dân khu vực hạ du các hồ chứa.
Theo báo cáo của EVN, hiện nay, do tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp làm đứt gãy nguồn cung nhiên liệu làm thiếu thụt nhiên liệu, khiến cho các nhà máy không đảm bảo phát đủ công suất cũng như sản lượng đáp ứng cho hệ thống theo đúng kế hoạch, đặc biệt không đủ công suất khả dụng để đáp ứng phụ tải vào cao điểm chiều, tối. Dự kiến thời gian tới, hệ thống điện Quốc gia cũng như hệ thống điện miền Bắc tiếp tục gặp khó khăn về thiếu hụt công suất vì nhu cầu sử dụng điện có xu hướng tăng cao sau khi Chính phủ thực hiện các giải pháp thích ứng Covid-19 trong tình hình mới.
Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tạm thời (từ nay đến hết tháng 10-2022) chế độ vận hành các hồ chứa lớn, quan trọng theo hướng tiết kiệm nguồn nước, linh hoạt
Đề nghị thay đổi giờ xả nước phát thải điện, vận hành linh hoạt các hồ chứa
Cụ thể, đối với khu vực miền Bắc (trên lưu vực sông Hồng), cho phép hồ thủy điện Hòa Bình vận hành linh hoạt, ngừng huy động (phát điện) trong những chu kỳ thấp điểm của phụ tải (từ 21 giờ đến 6 sáng hằng ngày và ngày Chủ nhật), tập trung phát điện chạy máy cao vào các giờ ban ngày để cấp nước cho nhân dân (đặc biệt là cấp nước cho nhà máy nước sạch sông Đà) cũng như hệ thống điện.
Đối với khu vực miền Trung và miền Nam, cho phép các hồ thủy điện vận hành đáp ứng lưu lượng và thời gian chạy máy theo hướng linh hoạt, không vận hành phát điện vào các giờ huy động điện mặt trời cao (từ 9 giờ sáng đến 14 giờ chiều), huy động vận hành các hồ phát điện trong các khoảng thời gian còn lại trong ngày để bảo đảm cấp nước hạ du và nhu cầu hệ thống điện.
Trong các dịp lễ, cuối tuần, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, yêu cầu của từng địa phương, hiện trạng nguồn nước trên lưu vực và từng hồ chứa, có thể giảm trữ lượng cấp nước nhưng tối đa không quá 50%.
Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp đồng bộ bảo đảm hài hòa giữa việc đáp ứng an ninh năng lượng và cấp nước cho các hoạt động sản xuất và dân sinh ở hạ du.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi phía hạ du rà soát, kiểm tra, sẵn sàng cho việc lấy nước khi các hồ xả nước, bảo đảm phù hợp với thực tế mực nước trên sông và khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi; hướng dẫn các địa phương khu vực hạ lưu lấy nước phù hợp với thời gian xả nước của các hồ chứa theo phương án vận hành linh hoạt.
Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: chỉ đạo các tổ chức trực thuộc, các cơ quan liên quan trong phạm vi cấp tỉnh quản lý lập kế hoạch sử dụng nước phù hợp với phương án vận hành linh hoạt của các hồ chứa phía thượng lưu; chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh quản lý thực hiện việc lấy nước phù hợp với thời gian, kế hoạch vận hành xả nước của các hồ chứa; đồng thời cải tạo, nâng cấp, bổ sung công trình để chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức lấy nước phù hợp với thực trạng nguồn nước trong thời gian tới.
Đối với các đơn vị quản lý vận hành hồ: trên cơ sở điều chỉnh kế hoạch vận hành hồ chứa của Bộ Công Thương, lập kế hoạch vận hành điều tiết nước cho phù hợp, giảm thiểu tối đa các tác động đến nguồn nước và việc khai thác, sử dụng nước ở hạ du, đặc biệt là các công trình cấp nước sinh hoạt.
MẠNH HIỆP