Hoàng Mai (Hà Nội): Cần xử lý nghiêm hành vi đổ thải trái phép và phục hồi môi trường khi bị hủy hoại
Trước đó, ngày 6/4, Sức khỏe & Môi trường có đăng tải bài viết theo chuyên đề: “Hoàng Mai - Hà Nội: Cần làm rõ trách nhiệm trong việc dùng phế thải san lấp đất nông nghiệp, đất dự án”, phản ánh việc hiện nay trên địa bàn các phường Lĩnh Lam, Thịnh Liệt, Yên Sở, có hàng nghìn m2 đất nông nghiệp, đất dự án đã bị san lấp bởi chất thải, phế thải xây dựng, làm biến dạng địa hình, suy giảm chất lượng đất và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thế nhưng hiện nay các phường vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm khiến người dân vô cùng bức xúc.
Sau khi bài viết được đăng tải, ngày 8/4/2024, UBND quận Hoàng Mai có văn bản chỉ đạo các phường kiểm tra, xử lý theo quy định và báo cáo UBND quận kết quả thực hiện trước ngày 12/4/2024. Tuy nhiên sau 3 ngày bàn hành quyết định, tình trạng đổ thải trái phép vẫn diễn ra tại phường Lĩnh Nam và có xu hướng gia tăng, phức tạp hơn, lại làm bức xúc dư luận.
Theo ghi nhận của phóng viên trong hai ngày 10 và 11/4, tại khu vực đổ thải trái phép có hàng loạt các xe tải chở phế thải, chất thải xây dựng di chuyển từ các nơi đổ thải về đây. Các xe này ngang nhiên di chuyển trên đường trong tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, che chắn tạm bợ nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng tới môi trường.
Điển hình, chiều ngày 11/4 tại khu vực đất nông nghiệp thuộc Khu công nghiệp Vĩnh Tuy giai đoạn 2, có rất nhiều phương tiện mang biển số biển số 29H-087.65, 29H-301.59, 29X-1686, 30P-1176…đã trực tiếp đổ thải tại đây mà không có sự kiểm tra, xử lý của chính quyền và lực lượng chức năng.
Sau 3 ngày chỉ đạo của UBND quận Hoàng Mai thì tình trạng đổ thải trái phép vẫn diễn ra tại khu đất nằm trên địa bàn phường.Lĩnh Nam |
Phóng viên đã thông tin sự việc trên tới lãnh đạo phường Lĩnh Nam để có biện pháp ngăn chặn, xử lý, kịp thời. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, chỉ sau 5 phút thông tin tới chính quyền, các xe này lần lượt quay đầu rời khỏi hiện trường. Ghi nhận xung quanh vị trí san lấp tại đây cho thấy, nhiều đống gạch vỡ, trạc thải, chất thải cồng kềnh, bùn đất, tiếp tục được đổ “trộm” vào đất dự án có chiều hướng gia tăng. Vị trí đổ thải được mở rộng sang khu vực lân cận.
Diện tích đổ thải trái phép tại phường Lĩnh Nam sau khi phản ánh có chiều hướng gia tăng và lan rộng ra các khu vực xung quanh |
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam Trần Việt Cường cho biết: Để ngăn chặn tình trạng này, sắp tới phường sẽ cho rào chắn xung quanh, đặt biển cấm đổ rác và giao cho công an phường tuần tra kiểm soát, mật phục, để xử lý. Vì đối tượng này rất tinh vi, manh động, việc bắt quả tang cũng rất khó vì họ hay đổ trộm vào ban đêm, lúc vắng người.
Bên cạnh đó, ghi nhận tại phường Thịnh Liệt cho thấ, cùng một diễn biến, tính chất sự việc như nhau nhưng tại phường này, hoạt động đổ thải trái phép đã kịp thời được ngăn chặn. Những đống rác thải, phế thải đổ về trước đó đã được khắc phục và vận chuyển đi nơi khác.
Sau khi báo chí phản ánh, UBND phường Thịnh Liệt đã chỉ đạo kịp thời, khắc phục hậu quả. |
Tiếp tục ghi nhận tại phường Yên Sở, vị trí đổ thải trái phép ngay cạnh chung cư Gelexia Riverside, hiện nay đã hạn chế được tình trạng đổ chất thải, phế thải mới vào đây, tuy nhiên phường chưa đưa ra phương án khắc phục để đảm bảo quản lý quỹ đất và môi trường xung quanh.
Vị trí san lấp phế thải tại phường Yên Sở đã tạm thời han chế tình trạng đổ thải mới, tuy nhiên chưa có biện pháp khắc phục. |
Liên quan đến sự việc trên, phóng viên có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư Xây dựng, đơn vị được UBND quận Hoàng Mai giao trao đổi thông tin với phóng viên. Tại đây, Phó Gíam đốc Ban QLDA Nguyễn Thăng Long cho biết: Hiện tại Ban đang quản lý các doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp Vĩnh Tuy, còn phần đất chưa xây dựng Khu công nghiệp Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Ban không quản lý mà do Trung tâm quỹ đất quản lý. Việc đổ chất thải, phế thải vào khu vực đất chưa triển khai dự án, theo quy định là do phường quản lý. Tới đây, Ban sẽ làm văn bản báo cáo Chủ tịch UBND quận về việc này. Đại diện Ban cũng đã cung cấp cho phóng viên báo cáo của UBND phường Lĩnh Nam về việc này.
Theo báo cáo của phường Lĩnh Nam gửi quận Hoàng Mai ngày 15/4/2024 có nội dung nêu, ngày 26/3/2024, UBND phường đã tổ chức ra quân xử lý vi phạm và di chuyển đất trạc tại khu vực nêu trên về bãi chứa đã được cấp phép tại huyện Đông Anh.
Về nội dung này, phóng viên cho rằng UBND phường Lĩnh Nam đang báo cáo không trung thực sự việc với cấp trên, bởi lẽ bên bãi chứa của huyện Đông Anh có xác nhận với phóng viên, không tiếp nhận khối lượng chất thải nào từ phường Lĩnh Nam chuyển qua. Hơn nữa, trong nội dung báo cáo của phường có đề cấp đến việc UBND phường Lĩnh Nam ra quân xử lý vi phạm, về vấn đề này thì phường phải có biên bản về việc vi phạm và đối tượng vi phạm được xử lý. Nhưng UBND phường Lĩnh Nam không cung cấp được biên bản vi phạm và phiếu bàn giao chất thải với bên tiếp nhận. Trong khi đó, trên thực tế xe tải vẫn “ồ ạt” vận chuyển chất thải vào san lấp công khai giữa ban ngày với chiều hướng gia tăng. Vị trí đổ thải ngày càng được mở rộng sang khu vực xung quanh.
Trao đổi với chuyên gia môi trường cho biết, việc đổ trộm phế thải ra môi trường đã diễn ra nhiều năm, gây hệ lụy tới môi trường rất lớn, đây là việc không hề mới và chưa bao giờ chúng ta làm quyết liệt. Việc chặn đứng nạn đổ phế thải sẽ làm được, vì hệ thống pháp luật đã quy định rất rõ và được nêu trong Luật Đất đai 2013, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, Bộ luật Hình sự 2015, quan trọng là sự quyết tâm vào cuộc của các cơ quan chức năng, các cán bộ thực thi và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu thì sẽ thành công. Trên thực tế nhiều vấn đề khó như cấm đốt pháo, đo nồng độ cồn, cắt thành thùng xe vì quá trọng tải… chúng ta còn làm được. Do đó, để dẹp bỏ việc đổ trộm phế thải cần phải giải quyết vấn đề một cách nghiêm túc và quyết liệt.
Việc đổ trộm phế thải, đất thải, chất thải cồng kềnh không chỉ chỉ làm suy giảm tình trạng sử dụng đất, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống người dân, mà còn gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông quanh khu vực. Trước tình trạng trên, đề nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng quận Hoàng Mai tiếp tục phối hợp tăng cường công tác quản lý, điều tra làm rõ và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi đổ thải trái phép để xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Xử phạt hành vi san lấp đất bằng phế thải xây dựng làm hủy hoại đất được quy định Tại Khoản 25, Điều 3, Luật Đất đai năm 2013 đã nêu rõ hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm, làm mất hoặc làm giảm khả năng sử dụng đất. Điều 208, Luật Đất đai 2013 quy định: Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương. Tại Điều 235, Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội gây ô nhiễm môi trường đã nâng mức phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng và nâng mức phạt tù từ 1 - 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì có thể bị phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm. Đặc biệt, đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này bị phạt tiền từ 1 - 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp, cá nhân phải có biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu; buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức; buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính" |