“Kiềng ba chân” đẩy lùi HIV/AIDS
Đoàn giám sát của Dự án làm việc với CDC Nam Định |
Ghi nhận thành công bước đầu của các CBO năm 2024
Sau 9 tháng tạm giãn các hoạt động Dự án do nhiều lý do khách quan, từ tháng 10/2024, các CBO ở Nam Định nhanh chóng nhập cuộc mới với việc bổ sung các TCV mới và với sự hỗ trợ tập huấn, hỗ trợ sinh vật phẩm từ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Nam Định.
Theo báo cáo của anh Doãn Đình Vịnh – trưởng nhóm CBO Ngô Đồng (nhóm tiếp cận hỗ trợ người chích ma túy - NCMT trên địa bàn huyện Giao Thủy và huyện Xuân Trường) thì hiện tại nhóm đã có 13 TCV hoạt động thường xuyên, được phân bố đều trên tất cả các xã ở hai huyện. Trong 9 tháng không có kinh phí hỗ trợ từ Dự án nhưng CBO Ngô Đồng vẫn duy trì Văn phòng của nhóm. Mặc dù thời gian hoạt động trở lại quá ngắn nhưng các chỉ tiêu do Dự án giao về việc cho khách hàng (KH) được tiếp cận đủ 3 gói dịch vụ, xét nghiệm sàng lọc HIV, chuyển gửi điều trị PrEP dự phòng trước phơi nhiễm, điều trị Methadone…đều đạt trên 70% và sẽ phấn đấu đạt 100% vào cuối năm 2024. Dự kiến phát hiện thêm 6 ca dương tính mới. Dù còn có những cản trở về pháp nhân khi chưa có thẻ TCV do tổ chức có thẩm quyền cấp, nhưng bằng hình thức CDC tỉnh Nam Định gửi công văn đề nghị Viện nghiên cứu Y-Xã hội học (ISMS) xác nhận danh sách các TCV là thành viên thực hiện hoạt động tiếp cận cộng đồng trong khuôn khổ dự án QTC VUSTA thực hiện các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại địa phương, các TCV vẫn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình với các đối tượng NCMT là những người có nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Với CBO Hành trình mới (nhóm tiếp cận người đồng tính nam –MSM) trên địa bàn thành phố Nam Định lại có sự chủ động, sáng tạo trong mọi hoạt động, thậm chí trưởng nhóm Hoàng Cảnh Đông còn tự tin nói: Em không muốn nói đến khó khăn gặp phải vì sẽ chùn bước, mà nhóm đã vượt qua được hết khó khăn ban đầu rồi, bây giờ chỉ nghĩ và hướng tới những gì sẽ phấn đấu tiếp theo để đạt được trong tương lai, làm được nhiều việc có ý nghĩa cho những người cùng hoàn cảnh như nhóm em.
Do hoạt động truyền thông trên nhiều kênh, cả trực tiếp và trực tuyến, số KH tìm đến với nhóm Hành trình mới ngày càng tăng và họ rất hào hứng khi tham dự các buổi truyền thông của nhóm. Dù nhóm chỉ có 9 TCV nhưng cũng có trưởng nhóm, phó nhóm, kế toán để điều phối các hoạt động theo hướng dẫn của cán bộ dự án. Tuy chỉ tiêu đạt được trong hơn 1 tháng qua của nhóm Hành trình mới không được bằng nhóm Ngô Đồng, nhưng những hoạt động sáng tạo của nhóm đã cho thấy triển vọng họ sẽ về đích trong năm 2024.
Bác sĩ Đỗ Thị Bích Thu – cán bộ Dự án thuộc ISMS (đơn vị chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của các CBO) - nói: Những kết quả mà 2 CBO đạt được trong thời gian rất ngắn là hơn cả điều chúng tôi mong đợi.
Tại Văn phòng của nhóm CBO Ngô Đồng (Xã Hoành Sơn, huyện Giao Thủy) |
Câu chuyện “giúp người cũng là giúp mình” của các TCV
Trao đổi với các TCV của cả hai nhóm, chúng tôi thấy họ có một thuận lợi chung, đó là sự “đồng đẳng” giữa TCV và KH. Cả TCV và KH đều là “người trong cuộc” nên hơn ai hết, họ hiểu nhau và chia sẻ được với nhau những câu chuyện của riêng mình trên hành trình đẩy lùi lây nhiễm HIV/AIDS. Anh Lê Văn T. ở nhóm Ngô Đồng tâm sự với chúng tôi: Bản thân em từng đau khổ suốt 6 năm vì MT, rồi sau đó may mắn được dùng Methadone, rồi được tự tin trở về hòa nhập với cuộc sống, lấy vợ sinh con, nên cuộc đời em chính là một “tấm gương” để những KH của em là NCMT “soi vào”. Ngược lại, chính họ cũng lại là người đã giúp em vượt qua được những “cám dỗ” bùng phát của MT trong quá khứ. Và em hiểu, em giúp người (KH) cũng chính là em tự giúp mình. Với động lực ấy, em đã khắc phục mọi khó khăn trong công việc của một TCV đồng đẳng khi không phải ai cũng hết định kiến với quá khứ của em.
Còn anh Hoàng Cảnh Đông, trưởng nhóm Hành trình mới thì nhớ lại: Trước đây, khi chưa làm TCV, em không nghĩ là những người MSM lại có thể có nguy cơ lây nhiễm HIV. Đến khi tham gia Dự án, em mới hiểu ra nguy cơ ấy đến từ đâu, và chính trong quá trình “tự nhận thức” đó, em lại mang kiến thức mình thu nhận được để truyền thông cho những KH đồng đẳng, cũng MSM như mình. Khi nói với người cùng cảnh, cũng có nghĩa là em đã đang tự nói với mình, tránh xa mọi nguy cơ đưa mình và KH của mình trở thành nạn nhân của HIV/AIDS.
Trong câu chuyện với anh Đông, chúng tôi còn được chia sẻ niềm hạnh phúc của anh khi có “bạn đời” là anh Trần Văn Mạnh. Mới đây, cả hai anh đều đã được làm bố với sự hỗ trợ của kỹ thuật IVF tại Bệnh viện đa khoa Hà Nội: cháu Trần Hoàng Minh đã được 2 tháng tuổi và cháu Hoàng Minh Phúc sắp chào đời.
Nhìn gương mặt sáng ngời niềm vui của các TCV nhóm CBO MSM Hành trình mới và sự khỏe mạnh, tự tin của các TCV nhóm CBO NCMT Ngô Đồng, chúng tôi thấy hạnh phúc như chính niềm hạnh phúc của họ. “Sự chia sẻ, cảm thông của các anh chị cũng như của gia đình, xóm làng chính là nhân đôi niềm vui của chúng tôi, là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng hơn nữa trong công việc “giúp người cũng là giúp mình” của một TCV” – anh Lê Văn T. nói.
Một buổi truyền thông của nhóm CBO Hành trình mới |
“Kiềng ba chân” đẩy lùi HIV/AIDS
Tại cuộc làm việc với CDC Nam Định, ThS.BS Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng khoa điều trị HIV/AIDS cho biết: Mặc dù còn hai chỉ tiêu khá khó khăn là phát hiện ca H+ và điều trị PrEP nhưng được sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao của Dự án, của Sở Y tế Nam Định cũng như lãnh đạo CDC Nam Định mà trực tiếp là đồng chí Phó Giám đốc Phạm Ngọc Hoàn nên chúng tôi đã hỗ trợ được tối đa cho các CBO, tiến độ Dự án thực hiện được của Nam Định là rất ấn tượng, nhiều đơn vị bạn còn không tưởng tượng được tại sao chúng tôi lại có thể làm được như vậy.
Anh Phạm Nguyên Hà, Phó Giám đốc Dự án bổ sung đánh giá: Từ báo cáo giám sát hoạt động của 2 CBO do ISMS thực hiện và qua trao đổi với các nhóm TCV, chúng tôi nhận thấy CDC Nam Định đã có những hoạt động rất chủ động, tích cực và sao sát để hỗ trợ các CBO, ví dụ như mở hai lớp tập huấn TCV, ví dụ như hỗ trợ kinh phí để nhóm CBO Hành trình mới mua các gói VIP của phần mềm Heesay (tên cũ: Blued - là ứng dụng mạng xã hội trực tuyến dành cho người đồng tính nam do nhà phát triển Cảnh Lạc tạo lập vào năm 2012 - TG)… là rất hiệu quả. Tất nhiên, hỗ trợ của Dự án cả về tài chính và kỹ năng chuyên môn là một yếu tố quan trọng, sự “cầm chừng” của hoạt động CBO trong 9 tháng đầu năm khi thiếu hỗ trợ của Dự án là một minh chứng.
Nhưng nếu chỉ có Dự án cùng với Y tế công trong cuộc chiến đẩy lùi HIV/AIDS là hoàn toàn không đủ. Không thể thiếu vắng vai trò của cộng đồng mà CBO là tiêu biểu. Sự nhập cuộc tích cực của họ không quản khó khăn, vượt qua mọi mặc cảm, mọi sự kỳ thị, và vượt qua cả chính mình trước cám dỗ của “con ma” mới có thể đạt được những mục tiêu mà Dự án đặt ra. Anh Phùng Văn Đương, TCV của nhóm Ngô Đồng tâm sự: Tôi có 27 năm làm xe ôm, và 4 năm làm TCV rồi, nên cảm thông được với KH, thân thiện với họ và anh em quý, trung thực với mình. Tôi sẵn sàng nhường cả phần phụ cấp của mình cho anh em, chia sẻ với anh em từ điếu thuốc lá để giữ chân họ, đến mức họ còn chủ động nói: Có thuốc (PrEP hay Methadone…) là anh báo cho em biết ngay nhé. Làm TCV, không nhiệt tình, không kiên nhẫn, và không biết hi sinh thì không thể làm được.
Có sự phối hợp vững vàng, thường xuyên như “kiềng ba chân” giữa Dự án, Y tế công (bao gồm cả CDC và bệnh viện) với các nhóm cộng đồng chắc chắn sẽ giúp cho Chương trình mục tiêu quốc gia chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030 thành công.