Ngộ độc - Loại hình thương tích phổ biến tại cộng đồng cần được quan tâm
Hình ảnh phim cộng hưởng từ sọ não có tổn thương chất trắng lan tỏa trên não của các nạn nhân đầu tiên bị nhiễm độc chì được phát hiện tại Việt Nam năm 2020 |
Thực tế điều trị tại Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai cho thấy, các phơi nhiễm bởi hóa chất bảo vệ thực vật là một trong các ngộ độc hàng đầu tại Việt Nam. Bao gồm các loại hóa chất trừ sâu, trừ cỏ, diệt chuột, diệt nấm, vi khuẩn, vi rút ký sinh trùng gây bệnh. Một trong những tác nhân gây tử vong điển hình là thuốc diệt cỏ Paraquat. Trong vòng hơn 10 năm lưu hành tại Việt Nam, hóa chất này đã làm cho khoảng 1000 người bị ngộ độc phải đến điều trị tại các bệnh viện trong cả nước mỗi năm. Riêng Bệnh viện Bạch Mai khoảng 500 người. Những người ngộ độc hóa chất này được điều trị tích cực, tỷ lệ tử vong vẫn lên tới 70%, điều trị thông thường tử vong tới 90%. Loại thuốc này đã bị cấm sử dụng từ ngày 08/02/2017 theo Quyết định 278/QĐ-BNN-BVTV. Theo đánh giá của các chuyên gia, quyết định này cứu được trên 1000 người mỗi năm và nhiều nghìn người qua các năm sau đó. Điều đáng lo ngại là hiện nay là thuốc diệt chuột Trung Quốc có độc tính rất cao, đã bị cấm nhưng vẫn lưu hành trên thị trường tự do.
Ngộ độc rượu Ethanol cũng là một loại ngộ độc thường gặp, bao gồm ngộ độc cấp tính, ngộ độc mãn tính, trong đó ngộ độc mãn tính gây ra rất nhiều bệnh. Đối với người bình thường, Ethanol huyết thanh (mg/dL) từ 20-50 gây rối loạn ức chế, kích thích nghịch thường cảm xúc không ổn định, thích giao du với người khác, nói nhiều hưng cảm. Liều lượng 50- 100 làm cơ thể chậm đáp ứng, giảm khả năng phán xét, mất điều hòa vận động biên nhỏ, loạn vận ngôn. Liều lượng từ 100-200 nhìn đôi, bạo lực, mất định hướng, lẫn lộn, vô cảm, giãn mạch, sững sờ. Từ 200- 400 ức chế hô hấp, mất các phản xạ bảo vệ đường thở, giảm thân nhiệt, tiểu tiện và đại tiện không tự chủ, tụt huyết áp, hôn mê. Và trên 400 dẫn đến trụy tim mạch tử vọng. Các loại sản phẩm đã và đang gây ngộ độc Methanol ở Việt Nam bao gồm: rượu trắng phi pháp (rượu nấu không có nguồn gốc, rượu pha từ cồn công nghiệp), cồn sát trùng (cồn y tế), dung môi (véc ni), dung môi của hóa chất bảo vệ thực vật.
Ngộ độc do kim loại nặng trong thuốc y học cổ truyền gồm có Chì, Asen, Thủy ngân. Đây là các chất độc trong môi trường, trong đó chì gây độc với máu, thần kinh, thận, hệ sinh sản, nội tiết, tim mạch, tiêu hóa, xương khớp. Chì đặc biệt ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của trẻ em- lượng chì trong máu càng tăng, chỉ số IQ càng giảm. Đã có trường hợp bùng phát ngộ độc chì ảnh hưởng tới 3.000 trẻ tại 26 tỉnh. Trong khi đó Asen, Thủy ngân rất độc với nhiều cơ quan, Asen có thể gây ung thư. Ngộ độc kim loại nặng trong thuốc y học cổ truyền hấp thụ vào cơ thể rất dễ, nhưng lại cần nhiều thập kỷ mới đào thải ra hết. Các nước nước phát triển đã cấm sử dụng kim loại nặng trong thuốc y học cổ truyền, Việt Nam cũng cần loại bỏ các chất này ra khỏi danh mục vị thuốc y học cổ truyền. Bên cạnh đó cần phải giám sát, phát hiện các trường hợp gian lận thuốc y học cổ truyền bị pha trộn thuốc tân dược, trong đó có thuốc tân dược Corticoid được pha trộn vào các thuốc chữa viêm khớp dạng viên, bột. Các loại thuốc này có tác dụng nhanh trước mắt, sau đó dùng lâu gây suy thượng thận. Điều nguy hại là việc mua bán các loại thuốc này không cần đơn, bệnh nhân không biết các vị thuốc, không cần đi khám, mua trên mạng hoặc tự hái…
Ngộ độc Thủy ngân còn xảy ra trong các trường hợp hỏa hoạn tại các cơ sở sản xuất có sử dụng Thủy ngân. Điển hình là vụ cháy tại Công ty Rạng Đông năm 2019 làm phát tán thủy ngân, dẫn đến 713 người phải tiến hành xét nghiệm thủy ngân trong máu, 665 người phải xét nghiệm Thủy ngân trong nước tiểu tại Trung tấm chống độc bệnh viện Bạch Mai. Gần đây, năm 2020, lần đầu tiên ở Việt Nam, Trung tâm chống độc Bạch Mai đã phát hiện ra vụ hàng chục công nhân thuộc Công ty TNHH Quảng Phong bị ngộ độc thiếc hữu cơ trong máu dẫn tới một trường hợp bị tử vong.
Là một trong các loại thường gặp nhất, nhưng hiện nay ngộ độc thực phẩm mới chỉ phát hiện ngộ độc cấp tính, thường bỏ sót ngộ độc mãn tính. Nguyên nhân gây ngộ độc cấp tính do vi sinh vật (vi khuẩn, độc tố vi khuẩn), hóa chất (thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia), độc tố tự nhiên. Năm 2023, cả nước ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc, 28 người tử vong. So với năm 2022, số lượng vụ ngộ độc tăng gấp 2,3 lần, số lượng người tử vong tăng 1,6 lần. Trong 6 tháng đầu năm nay cả nước có 36 vụ ngộ độc, 2.100 người mắc, có 6 người tử vong. Loại ngộ độc này diễn ra bất ngờ, liên quan đến nhiều người, phần lớn là qua các bữa ăn tập thể tại nhà hàng, bếp ăn, đám cưới, đám giỗ. Ngộ độc riêng lẻ tại gia đình thường liên quan đến ngộ độc nấm, cá nóc. Ngộ độc thực phẩm dẫn đến tình trạng nôn nhiều, nôn ra máu hoặc đi đại tiện ra máu, đau bụng dữ dội, nhiệt độ cao hơn 38,5 độ C, mắt trũng, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, cơ thể yếu trầm trọng, hoa mắt, chóng mặt, tầm nhìn bị mờ, cơ yếu và ngứa ran cánh tay, tay hoặc chân lạnh, thở nhanh hoặc thở dốc, tiêu chảy kéo dài.
Bên cạnh đó, ngộ độc ma túy cũng là hiện tượng thường gặp, với hàng chục nhóm ma túy mới, thách thức lớn nhất hiện nay là nhóm ma túy cần sa tổng hợp với hàng trăm chất thay đổi, tạo mới liên tục, xét nghiệm rất khó khăn. Người bệnh ngộ độc ma túy dẫn đến tổn thương đa tạng, hôn mê, co giật, tổn thương tim, sốc, suy thận. Ngộ độc thuốc tân dược có trong các loại thuốc an thần gây ngủ, điều trị bệnh tâm thần, thần kinh, giảm đau hạ sốt, thuốc chống ung thư, ức chế miễn dịch, chống lao, thuốc gây tê cũng cần được quan tâm trong điều trị và việc mua bán không cần đơn đang diễn ra phổ biến trên thị trường.
Trước thực tế tình hình ngộ độc diễn ra phức tạp, trên diện rộng, xảy ra trong nhiều tình huống, để hạn chế nguy cơ rủi ro từ nhiễm độc, các cơ quan chức năng cần có nhiều giải pháp thiết thực để kiểm soát chất lượng, cấp phát và sử dụng thuốc; quản lý hóa chất, môi trường làm việc và sinh sống, tăng cường giám sát thực hiện các quy định về quản lý thuốc, hóa chất, thực phẩm trong đời sống và sinh hoạt để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.