Thương tích do bỏng tại cộng đồng - ghi nhận tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác
Thương tích do bỏng |
Là bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối của cả nước về chuyên ngành bỏng, mỗi năm Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác tiếp nhận và điều trị từ 5.000 đến 7.000 bệnh nhân bỏng đến từ 54 tỉnh thành trong cả nước, với các đặc điểm về nhân khẩu học, địa lý và kinh tế xã hội khác nhau. Đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện nghiên cứu đánh giá những đặc điểm về dịch tễ học và kết quả điều trị nhằm tạo cơ sở khoa học cho những định hướng công tác dự phòng, nâng cao hiệu quả điều trị bỏng.
Nghiên cứu cắt ngang trên tất cả bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác từ 01/01/2021 đến 31/10/2022, cho thấy: Tai nạn bỏng chiếm tỷ lệ cao ở người trưởng thành (56,75%). Bỏng ở trẻ em dưới 16 tuổi cũng chiếm tỷ lệ cao 32,38%, đặc biệt bỏng ở trẻ em dưới 6 tuổi (73,32%) cao hơn hẳn so với trẻ trên 6 tuổi (26,68%). Tỷ lệ bỏng ở nam giới chiếm cao hơn (59,4%), người bệnh ở nông thôn chiếm tỷ lệ cao hơn (56,6%). Tác nhân gây bỏng chủ yếu là nhiệt (87,6%). Người bệnh tử vong chiếm từ 1,3-2,3%. Chi phí điều trị trung bình cho mỗi người bệnh khoảng 27,2 - 33,3 triệu đồng, thời gian điều trị trung bình giảm từ 23,3 ngày xuống 19,1 ngày.
Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bỏng của trẻ em có xu hướng giảm từ 40,9% năm 2021 xuống 27,39 % cho cả giai đoạn nghiên cứu. Những năm trước đây trẻ em luôn là đối tượng chịu tác động nhiều nhất của bỏng (từ 32-65,8%) trong tổng số nạn nhân bỏng. Nguyên nhân dẫn đến kết quả đáng khích lệ này có thể do công tác phòng tránh bỏng cho trẻ tại gia đình tốt hơn và hệ thống y tế tuyến cơ sở tăng cường thu dung, điều trị bệnh nhân bỏng nhiều hơn. Tuy vậy cũng cần lưu ý về tỷ lệ trẻ em dưới 6 tuổi bị bỏng nhiều gấp 3 lần trẻ trên 6 tuổi ( 73,3% /36,7%), mặc dù lứa tuổi này thường luôn có người trông nom, chăm sóc. Một điều cũng cần đặc biệt quan tâm đó là tỷ lệ bỏng trong lứa tuổi lao động (từ 17- 60) vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất. Đây là lứa tuổi tích lũy tri thức và cống hiến nhiều nhất cho gia đình và xã hội. Nên hậu quả của bỏng ở đối tượng này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân, mà còn gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho gia đình, xã hội. Bên cạnh đó, bỏng đối với người cao tuổi cũng có xu hướng tăng từ 5,4% năm 2021 lên 14,2% trong 10 tháng năm 2022. Do người cao tuổi bị bỏng thường kèm theo nhiều bệnh lý nền, suy giảm sức đề kháng nên diễn biến thường nặng và điều trị tốn kém. Về giới tính, tỷ lệ bỏng của nam gần gấp 1,5 lần so với nữ, nhất là trẻ em nam bị bỏng gấp tới gần 2 lần so với trẻ em nữ. Về yếu tố xã hội, bệnh nhân có chế độ bảo hiểm có xu hướng tăng (63,2%). Tuy nhiên hiện nay tỷ lệ bệnh nhân có bảo hiểm chỉ được chi trả 40% còn cao, do nguyên nhân quy định thủ tục chuyển tuyến bất cập hoặc gia đình bệnh nhân tự nguyện xin chuyển tuyến.
Điều trị bệnh nhân bỏng tại Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác |
Về tác nhân gây bỏng, nhiệt ướt là tác nhân hàng đầu, bao gồm nước sôi, hơi nước sôi, thức ăn nóng sôi (dầu mỡ, canh cháo, sữa, lẩu, phở), hơi nồi cơm điện. Tác nhân nhiệt khô đứng thứ 2, bao gồm bỏng lửa (hỏa hoạn, lửa cồn), tia lửa điện, cháy khí oxy. Thứ đến là kim loại loại nóng đỏ, nóng chảy (hay gặp ở tai nạn lao động luyện thép), tia lửa điện, bô xe máy nóng, nhựa đường nóng chảy, nến cháy…Đối với tác nhân gây bỏng này những vụ bỏng hàng loạt do cháy nổ, hỏa hoạn cố tình, nạn nhân thường bỏng nặng và sâu, trạng thái stress rất nặng; trong khi kiến thức kỹ năng thoát hiểm, đưa nạn nhân ra khỏi hỏa hoạn và cấp cứu trong các vụ hỏa hoạn còn rất hạn chế. Tác nhân thứ 3 gần đây có xu hướng tăng là bỏng do điện rất đáng báo động. Hoàn cảnh dễ gặp điện cao thế là tai nạn khi đi câu cá, và hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện trong xây dựng, sinh hoạt.Những tai nạn điện cao thế rất nặng nề, nạn nhân bị bỏng đến bệnh viện là những người may mắn sống sót, nhưng do bỏng điện cao thế thường rất sâu tới gân cơ xương khớp, thậm chí cơ quan nội tạng. Dẫn đến bệnh nhân có thể phải cắt cụt cẳng chân, cắt cụt đùi, cụt cẳng tay, cánh tay, thậm chí phải tháo khớp vai, khớp háng. Năm 2021 trong số 35 bệnh nhân bỏng điện cao thế và hạn thế có tới 31 người phải phẫu thuật tháo khớp, cắt cụt chi. Năm 2022 con số này là 45/52 bệnh nhân. Thứ 4 là tác nhân hóa chất, hay gặp nhất là do axit (thường là axit của bình ắc quy), hoặc do chất tẩy rửa, thông bể phốt, hóa chất công nghiệp, bỏng kiềm trong công nghiệp hoặc bỏng vôi do tôi vôi nóng. Bỏng hóa chất cũng để lại nặng nề về thẩm mỹ và chức năng (sẹo co kéo, bóng sâu). Còn có bỏng tiêu hóa do uống nước nóng, uống nhầm thuốc tẩy rửa. Gần đây còn xuất hiện tác nhân mới như bỏng đo đắp thuốc nam, cao xoa, thuốc tẩy mụn, bỏng loành (khí ga), bỏng khí CO, NH3, bỏng tia laser..
Theo nghiên cứu này, tỷ lệ bệnh nhân tử vong dao động từ 1,27% (năm 2021) đến 2,32% (10 tháng năm 2022). Nguyên nhân chủ yếu do bỏng sâu trên diện rộng, biến chứng nhiễm khuẩn, suy đa tạng. So với giai đoạn 2010-2019, tỷ lệ tử vong do bỏng cao ở mức dao động giảm từ 3,7% xuống 3,1%. Việc tỷ lệ tử vong do bỏng duy trì ở mức dao động từ 1-3% là sự nỗ lực áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp tại Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác. Mặc dù phần lớn nạn nhân bỏng được điều trị khỏi và ra viện, nhưng phải chịu hậu quả nặng nề do thời gian nằm viện kéo dài, chi phí điều trị cao.
Bỏng là tai nạn thương tích hay gặp và có thể để lại hậu quả nặng nề nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Các nước cho thu nhập cao đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ tử vong do bỏng thông qua sự kết hợp chiến lược phòng ngừa và cải thiện chất lượng điều trị. Hầu hết những tiến bộ này chưa được áp dụng đầy đủ ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Từ kết quả nghiên cứu, bước đầu Việt Nam có thể xây dựng chiến lược tuyên truyển, phổ biến kiến thức về dự phòng và sơ cấp cứu sau bỏng, đặc biệt là kỹ thuật thoát hiểm và cứu nạn trong hỏa hoạn, kiến thức về hành lang an toàn lưới điện, về những tác nhân gây bỏng mới. Điều này sẽ giúp người dân trong cộng đồng phòng tránh được các nguy cơ gây bỏng, giảm thiểu nguy cơ tử vong do bỏng.