Những điều cần biết về thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô
Sử dụng các thiết bị an toàn trên ô tô cho trẻ em |
Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế Công cộng (CIPPR), mỗi năm có khoảng 500.000 trẻ em Việt Nam từ 1 - 10 tuổi tiếp cận với xe ô tô cá nhân.
Để bảo đảm an toàn cho trẻ khi tham giao thông, lần đầu tiên Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định trẻ em dưới 10 tuổi và có chiều cao dưới 1,35m khi ngồi trên xe ô tô thì không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe, trừ trường hợp xe chỉ có một hàng ghế và phải sử dụng thiết bị an toàn. Quy định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.
Luật cũng quy định từ 01/01/2025, xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo để dự phòng việc bỏ quên trẻ trên xe ô tô; có dây an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi.
Thiết bị an toàn cho trẻ em gồm một số loại như ghế nôi dành cho trẻ dưới 1 tuổi, cân nặng dưới 13 kg; ghế dành cho trẻ từ 1 đến 4 tuổi; ghế nâng và dây an toàn dành cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi; đệm nâng và dây an toàn cho trẻ từ 6 đến 12 tuổi, cân nặng từ 22 đến 36 kg.
Các thiết bị an toàn trên xe ô tô gồm nôi, ghế, đệm nâng được thiết kế để cố định trẻ chắc chắn ở tư thế ngồi hoặc nằm quay mặt lên trên, giảm nguy cơ chấn thương trong trường hợp xe có va chạm. Trẻ em dưới 12 tuổi và có chiều cao dưới 1,5 m nên sử dụng thiết bị an toàn hay ghế an toàn riêng thay vì ngồi như người lớn do hệ thống dây an toàn trên xe chỉ phù hợp với cơ thể của người trưởng thành. Trẻ có độ tuổi và chiều cao này nếu chỉ sử dụng dây an toàn trên xe, nếu xe phanh gấp, vào cua hoặc không may có va chạm thì dây an toàn có thể siết vào cổ gây chấn thương cho trẻ.
Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em khi ngồi trên xe ô tô còn thấp. Từ tháng 1-2/2022, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống Chấn thương (CIPPR) đã tiến hành khảo sát 14.924 xe ô tô con cá nhân tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh cho thấy chỉ có 1,3% tổng số xe ô tô có chở trẻ em sử dụng thiết bị an toàn; tất cả xe ô tô chở trẻ em ở Đà Nẵng đều không sử dụng thiết bị an toàn. Đồng thời có tới 40% trẻ em khi đi ô tô ngồi ở ghế trước, trong đó 22,8% xe ô tô có trẻ ngồi ghế trước một mình và 19,2% xe có trẻ ngồi ghế trước chung với người lớn. Trong khi ghế trước là vị trí chịu nhiều tác động khi xảy ra tai nạn, va chạm như dễ văng ra ngoài xe, sự va đập của túi khí… Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo rằng trẻ ngồi ghế sau sẽ giảm được nguy cơ chấn thương 26% so với ghế trước; nếu có sử dụng thiết bị an toàn phù hợp và được lắp đặt đúng có thể giảm 60% trường hợp tử vong.
Các chuyên gia y tế trong nước và thế giới đều nhấn mạnh 3 nguyên tắc bảo đảm an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông là: vị trí an toàn, sử dụng các thiết bị an toàn và lựa chọn thiết bị an toàn đạt chuẩn và lắp đặt đúng cách. Trên thế giới đã có 97 nước bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô.
Thiết bị an toàn trên ô tô cho trẻ em rất phổ biến ở các nước phát triển và đã có mặt tại Việt Nam. Các bậc cha mẹ có thể chọn lựa các thiết bị an toàn có thương hiệu uy tín, công nghệ i-size, ISO-FIX dễ dàng lắp đặt, mức giá dễ chịu mà vẫn đạt tiêu chuẩn an toàn châu Âu hoặc tiêu chuẩn an toàn của Liên hợp quốc.