Tai nạn thương tích không chủ ý đối với trẻ em - nhìn từ thực tế điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương
Chăm sóc bệnh nhi bị thương tích do đi xe đạp va vào máy xúc tại Bệnh viện Nhi Trung ương. |
Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý Môi trường cho thấy, trung bình mỗi năm có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó có 6.600 trường hợp tử vong chiếm khoảng 35% trong tổng số các trường hợp trẻ em tử vong trên toàn quốc. Như vậy, trung bình mỗi ngày có khoảng 18 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích.
Nhằm tìm hiểu nguyên nhân và kết quả điều trị cho trẻ em bị tai nạn thương tích không chủ ý, TS. Lê Ngọc Duy và các cộng sự tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành một nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 1.013 trẻ em từ 0-18 tuổi bị các loại tai nạn không do chủ ý gây thương tổn cho cơ thể như: chảy máu, bong gân, phù nề xây xát, gãy xương, gãy răng, vỡ thủng nội tạng, chấn thương sọ não...phải nghỉ học, nghỉ làm hoặc bị hạn chế sinh hoạt ít nhất 24 giờ, được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong thời gian từ 01/01/2023 đến 31/10/2023.
Kết quả cho thấy, tai nạn thương tích thường gặp là trẻ nam chiếm tỷ lệ 62,2% cao hơn 1,65 lần so với trẻ nữ; nhóm tuổi mắc cao nhất là từ 0-4 tuổi (chiếm 58,9%), tiếp đến là nhóm tuổi từ 5-9 tuổi (chiếm 30,5%). Kết quả này cũng tương tự với nghiên cứu của Trịnh Thanh Xuân và cộng sự khi ghi nhận trẻ nam chiếm 66,8% và nhóm trẻ từ 1-4 tuổi có tỷ lệ cao nhất (chiếm 41,2%) trong số bệnh nhân bị tai nạn thương tích tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng năm 2019. Hai nguyên nhân thường gặp nhất là ngã (chiếm 47,2%) và tai nạn giao thông (chiếm 22,7%), kết quả này cũng tương đồng với nhiều nghiên cứu trước đây. Thời gian xảy ra thương tích nhiều nhất trong năm là từ tháng 6-9, có thể do thời gian này trẻ được nghỉ hè, được tự do vui chơi có thể thiếu sự giám sát của người lớn. Thời điểm xảy ra thương tích cho trẻ em nhiều nhất trong ngày là khung giờ từ 15-20h, đặc biệt cao nhất vào lúc 17h. Có thể thời điểm này, trẻ em được tự do tham gia các hoạt động vui chơi, chạy nhảy, nô đùa thoải mái sau một ngày học tập, trong khi đó, người lớn thường dành thời gian nghỉ ngơi sau một ngày làm việc căng thẳng hoặc tham gia những công việc của gia đình và do đó, thiếu sự chú tâm đến trẻ trong chốc lát dẫn đến trẻ dễ xảy ra tai nạn thương tích.
Về kết quả điều trị, tỷ lệ trẻ khỏi, đỡ giảm ở mức cao (95,5%) cũng tương tự như các nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Thắng và cộng sự (96,48%) và nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Huyền Sâm năm 2020 tại Bệnh viện Nhi Trung ương (96,4%). Tỷ lệ tử vong (chiếm 0,7%) hoặc nặng (chiếm 1,3%) xin về chủ yếu là nguyên nhân do đuối nước.
Về chi phí điều trị của các trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích là tương đối cao, trong đó số tiền chi trả viện phí của nhóm trẻ bị đuối nước là cao nhất. Số tiền bệnh nhân phải chi trả cao nhất là ở nhóm trẻ bị bỏng và thấp nhất ở nhóm trẻ bị ngộ độc.
Mặc dù việc điều trị tai nạn thương tích cho trẻ em là khả quan, nhưng hậu quả của những thương tích đều gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ, chưa kể đến các trường hợp nặng, tử vong. Kết quả nghiên cứu liên quan đến tai nạn thương tích không chủ ý đối trẻ em (đặc biệt là các em từ 0-4 tuổi) tại Bệnh viện nhi Trung ương năm 2023 là một trong những chứng cứ khoa học giúp các bậc cha mẹ cần đặc biệt quan tâm chăm sóc, bảo vệ, ngăn ngừa các tai nạn ngoài ý muốn diễn ra bất ngờ, ngẫu nhiên do tác nhân bên ngoài gây nên đối với con trẻ, đặc biệt khi các em còn ở những năm đầu đời.