Báo động tình trạng bạo lực trên mạng đối với trẻ
Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ xâm hại trên mạng xã hội. (Ảnh minh họa: internet) |
Năm 2022, UNICEF đã tiến hành một nghiên cứu khảo sát với 994 trẻ em Việt Nam từ 12 đến 17 tuổi, có tới 2% cho biết trong năm qua đã bị yêu cầu trò chuyện về tình dục khi bản thân không mong muốn; 1% bị yêu cầu chia sẻ hình ảnh, video khỏa thân; 8% nhận được những bình luận khiếm nhã, 5% nhận được những hình ảnh nhạy cảm không mong muốn. Ngoài ra trẻ cũng gặp phải nhiều đề nghị cho tiền hoặc đổi quà để đổi lấy hình ảnh, video nhạy cảm hoặc thực hiện hành vi đe dọa, tống tình để ép trẻ tham gia hoạt động tình dục.
Cũng trong năm 2022, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) đã ghi nhận 1.500 cuộc gọi đề nghị can thiệp hỗ trợ, trong đó có 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Cục Trẻ em đã 21 lần can thiệp để xử lý những trường hợp này. Như vậy, có thể thấy rằng nguy cơ trẻ em phải đối diện với các đối tượng, tội phạm thực hiện hành vi xâm hại trên môi trường mạng là rất cao.
Khảo sát của Chương trình nghiên cứu mạng internet và xã hội (VPIS, thuộc Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) cho thấy năm 2023 có 78% người dùng mạng khẳng định bản thân từng là nạn nhân của bạo lực mạng hoặc biết các trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội; 67% người dùng mạng từng trở thành nạn nhân hoặc chứng kiến trò bôi nhọ danh dự, phỉ báng, nói xấu; 46,6% người dùng mạng từng bị bịa đặt, vu khống thông tin.
Những biểu hiện của việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng bao gồm: quấy rối trực tuyến (bình luận, chia sẻ, gửi tin nhắn mang tính chất quấy rối, đe dọa, xúc phạm), bắt nạt trực tuyến (gửi thông tin sai lệch, bôi nhọ, điều tra cuộc sống cá nhân, đăng tải video bôi nhọ), xâm phạm quyền riêng tư ( cố tình theo dõi thông tin cá nhân thực hiện ý đồ phi pháp). Một báo cáo tổng hợp từ ECPAT, Interpol và UNICEF, năm 2022 có đến hơn 400 báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng tại Việt Nam. Trong đó 1% trẻ bị dụ dỗ gửi video, ảnh về bộ phận nhạy cảm khi sử dụng internet, những thông tin đó bị chia sẻ mà chưa có sự đồng ý.
Nghiên cứu gần đây của tác giả Đặng Thị Vân Anh và cộng sự tại Đại học Y tế Công cộng, Hà Nội tiến hành trên đối tượng là sinh viên về thực trạng bạo lực trên mạng từ tháng 4-11/2024. Kết quả cho thấy, 89,5% sinh viên bị bạo lực mạng, trong đó có 84,9% là nạn nhân, 55,6% gây ra bạo lực và 82,4% đã từng chứng kiến bạo lực mạng. Tỷ lệ bị bạo lực mạng ở nữ (92,2%) cao hơn nam (81,4%). Hình thức bạo lực mạng thường xuyên nhất là tin nhắn (79,5%), hình ảnh (66,9%), âm thanh (58,2%). Chủ đề bạo lực thường gặp ở đối tượng sinh viên là quan hệ tình cảm (86,6%). Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất (54,4%). Có 37,2% sinh viên có biện pháp ứng phó khi bị bạo lực mạng.
Hậu quả của bạo lực mạng rất nặng nề, phức tạp. Trẻ em bị bạo lực trở nên thiếu tự tin, mất niềm tin vào cuộc sống; luôn trong trạng thái căng thẳng, lo sợ và bất an, dễ thay đổi hành vi, trở nên cô đơn, sống khép kín, rút lui khỏi các mối quan hệ xã hội. Nhiều trẻ còn trở nên căm ghét bản thân, xuất hiện ý định tự làm hại mình.Tất cả những tác động này đều ảnh hưởng sâu sắc tới sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, ảnh hưởng tới học tập trước mắt cũng như tương lai lâu dài.
Thời gian qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đấu tranh ngăn chặn bạo lực mạng song hiện vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Vì thế, cùng với việc thực hiện nghiêm minh những chế tài và điều luật đã có, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các điều luật cụ thể, chặt chẽ với các mức xử phạt có tính răn đe hơn. Đồng thời xây dựng tiêu chí giúp nhận diện hành vi bạo lực mạng làm căn cứ để xử lý cũng như phòng ngừa.