Hiệu quả thiết thực của Chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em tại 12 tỉnh/thành phố
Học bơi giúp trẻ phòng tránh tai nạn đuối nước. |
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em cao do đặc điểm địa lý có nhiều sông ngòi, môi trường sống còn chưa an toàn. Theo báo cáo thống kê tử vong do tai nạn thương tích năm 2020 của Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế, Việt Nam có 4.329 người tử vong do đuối nước, trong đó có 1.957 trẻ em dưới 19 tuổi (chiếm 41,4%). Tỷ suất tử vong do đuối nước trẻ em dưới 19 tuổi là 6,59/100.000 trẻ, cao thứ 7 trong các quốc gia khu vực Tây Thái Bình Dương.
Với mục đích góp phần giảm tỷ lệ đuối nước và tử vong do đuối nước tại Việt Nam, từ năm 2018-2023, Tổ chức Campaign for Tobacco Free Kids (Hoa Kỳ) phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã triển khai chương trình Phòng chống đuối nước cho trẻ em. Chương trình triển khai trên địa bàn 12 tỉnh có tỉ lệ đuối nước cao trên toàn quốc bao gồm: Hà Nội, Nam Định, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Bình, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Long An.
Sau 05 năm triển khai, Chương trình đã xây dựng được 3 bộ tài liệu kỹ thuật bao gồm: Hướng dẫn thí điểm dạy bơi phòng chống đuối nước, Hướng dẫn giảng dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước và Giám sát trẻ an toàn. Các tài liệu được xây dựng, cập nhật thông tin theo các khuyến cáo mới nhất và kinh nghiệm triển khai các chương trình phòng chống đuối nước tại Việt Nam; Trẻ em nhóm tuổi từ 6-12 tuổi tại 136 xã thuộc 33 huyện của 12 tỉnh đã được nâng cao nhận thức về nguy cơ đuối nước, kỹ năng an toàn và học bơi. Hoạt động quan trọng nhất của chương trình là tổ chức lớp dạy bơi cơ bản phòng chống đuối nước. Đã có 31.594 trẻ em từ 6-15 tuổi được dạy bơi miễn phí; trong đó 75,6% trẻ đạt cả hai đạt tiêu chí bơi 25 mét và nổi 90 giây trong lần kiểm tra đầu tiên. Các em chưa đạt trong lần kiểm tra đầu tiên chủ yếu thuộc nhóm tuổi từ 6-7 tuổi đã được đào tạo bổ sung từ 2-5 buổi và tổ chức thi lần hai. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ em biết bơi và nổi đã được nâng lên 93,7%. Bên cạnh đó, hơn 52.000 trẻ em được đào tạo cơ bản về kỹ năng an toàn trong môi trường nước để phòng ngừa các nguy cơ có thể xảy ra. 908 giảng viên nòng cốt và tuyến tỉnh được đào tạo và cấp chứng nhận về dạy bơi an toàn bởi Cục Thể dục - Thể thao (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Chương trình đã lắp đặt mới 14 bể bơi di động và huy động 73 bể bơi của địa phương để tổ chức dạy bơi cho trẻ em.
Hoạt động của chương trình đã giúp cho tỷ lệ trẻ em biết bơi của 12 tỉnh được cải thiện tích cực. Theo kết quả khảo sát cộng đồng năm 2022, tỷ lệ trẻ em biết bơi chung của 12 tỉnh đã tăng 2,2 lần (từ 14,7% lên 32,6%). Lào Cai là địa phương có sự thay đổi tích cực nhất, tăng gấp 10 lần (từ 2% lên 26,8%) và Đắk Lắk từ 9% lên 21,4%.
Tỷ suất đuối nước của trẻ em cũng có xu hướng giảm mạnh từ 15,52/100.000 trẻ năm 2018 xuống 13,89/100.000 trẻ vào năm 2022. Kết quả này cũng giúp cho tỷ suất chung của cả nước có xu hướng giảm dần, từ 9,02/100.000 trẻ (năm 2018) xuống 7,38/100.000 trẻ (năm 2021).
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 91,1% phụ huynh hài lòng với các lớp dạy bơi của chương trình; 57,8% phụ huynh sẵn sàng trả mức phí đến 500.000 đồng cho một khóa học bơi 15 buổi như chương trình tổ chức. Điều này cho thấy chương trình phòng chống đuối nước tại 12 tỉnh không chỉ giúp tăng tỷ lệ trẻ em biết bơi, có kỹ năng an toàn trong môi trường nước, mà còn tạo ra xu thế ủng hộ tích cực của phụ huynh đối với việc phòng chống đuối nước cho trẻ em trên diện rộng.