Hiệu quả của kiểm soát nồng độ cồn đối với việc giảm tỷ lệ tai nạn giao thông
Lực lượng cảnh sát giao thông ra quân kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm nồng độ cồn |
Đây là kết quả cụ thể của việc thực hiện kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Hiện nay Cục Cảnh sát giao thông vẫn bố trí các tổ công tác tại 58 địa phương, với nhiều phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phối hợp cùng các đơn vị liên quan trực tiếp kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt là tập trung kiểm soát, phát hiện, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong máu và hơi thở có nồng độ cồn. Riêng trong dịp tết nguyên đán 2023, lực lượng lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 29.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, nhằm giáo dục người tham gia giao thông cần chấp hành nghiêm chỉnh việc không uống rượu bia ngay cả trong những dịp lễ tết. Từ đó tạo ra văn hóa giao thông lành mạnh, an toàn, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người điều khiển phương tiện và người dân. Thực tế cũng cho thấy, so với thời điểm mới triển khai thực hiện chủ trương kiểm soát nồng độ cồn, người điều khiển phương tiện đã có thái độ chấp hành, hợp tác với cơ quan cảnh sát trong quá trình thực hiện kiểm soát nồng độ cồn tốt hơn. Nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang… đã triển khai quyết liệt việc kiểm soát nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.
Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hồ Chí Minh cho biết năm 2023, tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn giảm sâu cả 3 tiêu chí: giảm 409 vụ tai nạn, 113 người chết và 272 người bị thương so với năm 2022. Nhất là khi công an thành phố bắt đầu thực hiện cao điểm chuyên để kiểm tra nồng độ cồn (từ 24-11-2023 đến 9-1-2024) có 30 vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn, giảm 12 vụ tai nạn, 35 người chết, nhưng tăng 26 người bị thương. Số liệu từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng cho thấy, từ tháng tháng 8-12/2023, trong tổng số 1.928 ca cấp cứu vì tai nạn giao thông có 389 ca liên quan đến nồng độ cồn, giảm 16% so với đầu năm và giảm 27% so với năm 2022. Cùng trong thời gian này, khoa cấp cứu của Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận 1.152 ca tai nạn giao thông, có 200 ca liên quan đến nồng độ cồn, giảm 3% so với đầu năm.
Nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa Long An về tình hình chấn thương do tai nạn giao thông nhập viện từ năm 2019-2023 cho thấy, trong tổng số 17.246 bệnh nhân, có khoảng 50% được kiểm tra nồng độ cồn. Tỷ lệ người có nồng độ cồn cao dao động từ 45,1 đến 60,1% và năm 2023 tỷ lệ này đã giảm xuống mức thấp nhất 32,2%. Tương tự như vậy, trong thời gian từ năm 2021-2023 số bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông đều giảm hơn so với năm 2020. Số bệnh nhân tai nạn giao thông chủ yếu là do xe mô tô và xe máy, chiếm từ 98,3 -99,6%.
Tuy nhiên, theo ước tính của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vẫn có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia. Tức là trung bình mỗi ngày, cả nước có khoảng 700 người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với các mức độ khác nhau. Vì vậy, việc cấm người tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu và hơi thở đã được quy định cụ thể trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) chắc chắn sẽ giúp cho số trường hợp bị tai nạn giao thông và tử vong do tai nạn giao thông tiếp tục giảm xuống.