Những thói quen ăn uống hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Theo WHO, bệnh tim mạch là do các rối loạn của tim và mạch máu. Bệnh tim mạch bao gồm bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim), tai biến mạch máu não (đột quỵ), tăng huyết áp tăng (cao huyết áp), bệnh động mạch ngoại biên, bệnh thấp tim, bệnh tim bẩm sinh và suy tim. Các nguyên nhân chính của bệnh tim mạch là sử dụng thuốc lá, thiếu hoạt động thể lực, chế độ ăn uống không lành mạnh và sử dụng rượu-bia ở mức độ nguy hại. Vì vậy, hầu hết các bệnh tim mạch có thể phòng ngừa được bằng cách giải quyết các yếu tố gây nguy cơ mắc bệnh từ thói quen này. Cũng theo tổ chức này, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, chiếm tới 31% tổng số ca tử vong. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong trong năm 2016.
Di truyền, tuổi tác, giới tính và môi trường đều ảnh hưởng, tác động đến nguy cơ mắc bệnh tim, nhưng chế độ ăn uống và lối sống của bạn cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Theo các chuyên gia y tế của CDC Hoa Kỳ, chế độ ăn uống nhất quán của bạn có tác động đáng kể đến sức khỏe tim mạch của bạn vì các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, tiểu đường, cholesterol và thừa cân béo phì, tất cả đều liên quan đến chế độ ăn uống hàng ngày của chúng ta.
Khi áp dụng thói quen ăn uống lành mạnh, hợp lý với sức khỏe của mình thì chúng ta sẽ có một sức khỏe tốt ngược lại có những thói quen ăn uống không tốt sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đặc biệt là bệnh tim.
Ăn nhiều đồ ngọt, hàm lượng đường cao làm tăng khả năng thừa cân, béo phì ảnh hưởng lớn đến các bệnh liên quan đến tim mạch.
Ăn quá nhiều đồ ngọt.
Theo khuyến cáo của WHO, cả người lớn và trẻ em có thể giới hạn lượng đường tự do ở mức dưới 10% tổng lượng calo tiêu thụ. Chẳng hạn bạn là một người trưởng thành, trung bình tiêu thụ khoảng 2.000 calo hằng ngày, lượng đường tiêu thụ nên dưới 200 calo, tương đương khoảng 50 gam hoặc 12 thìa cà phê. Thậm chí, tiêu thụ dưới mức 5% còn có những công dụng tốt hơn nữa và đem tới ích lợi cho sức khỏe. Các chuyên gia Thụy Sĩ vào năm 1900 đến 1968 đã nghiên cứu mối quan hệ giữa lượng tiêu thụ đường và tỷ lệ mắc bệnh tim đã cho ra kết quả tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch vành có tương quan thuận với việc tiêu thụ đường.
Thường xuyên ăn những thứ có hàm lượng đường cao như kẹo, soda, bánh có thể rất hấp dẫn, nhưng các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo rằng quá nhiều đường vào cơ thể có thể góp phần gây ra nhiều kết quả bất lợi về sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Ăn vặt với thực phẩm có nhiều đường và rất ít chất xơ hoặc protein (như kẹo hoặc nước ngọt) cũng có thể khiến lượng đường trong máu của bạn tăng đột biến, theo thời gian có thể dẫn đến tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao) cũng là một yếu tố gây nguy cơ mắc bệnh tim. Khi chúng ta ăn nhiều đồ ăn có nhiều lượng đường chúng sẽ tích tụ, hình thành bệnh với nhiều mức độ khác nhau. Nếu nhẹ, bạn có thể bị rối loạn nhịp tim, nặng sẽ là tim mạch vành, suy tim…
Ăn quá nhiều đồ ăn vặt mặn
Tương tự như đồ ăn nhẹ có thêm đường, bạn cũng nên hạn chế tiêu thụ đồ ăn vặt có nhiều muối vì nó cũng là một trong những yếu tố gây nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Theo Tiến sĩ Young (CDC Hoa Kỳ) "chế độ ăn giàu natri làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và bệnh tim, vì vậy ăn quá nhiều đồ ăn vặt mặn như khoai tây chiên thường xuyên có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim theo thời gian."
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tap chí Annals of Medicine (Mỹ) cho hay, ăn nhiều muối cũng làm tăng nguy cơ mắc rung tâm nhĩ (nhịp tim bất thường). Đây là nghiên cứu đầu tiên phát hiện ra mối liên quan giữa lượng muối ăn nhiều với nguy cơ phát triển rung tâm nhĩ. Trong công trình này, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Oulu ở Phần Lam đã xem xét việc liệu ăn quá nhiều thực phẩm mặn có phải là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc rung tâm nhĩ hay không. Để thực hiện, họ đã theo dõi một nhóm gồm 716 người trung niên trong suốt 19 năm.
Trong suốt thời gian theo dõi, 74 cá nhân được chẩn đoán mắc chứng rung tâm nhĩ mới khởi phát. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã so sánh tỷ lệ mắc bệnh với lượng muối ăn hàng ngày của nhóm người khảo sát. Những người tham gia ghi lại lượng muối của họ thông qua cuốn nhật ký thực phẩm 7 ngày kể từ khi bắt đầu cuộc nghiên cứu. Dựa trên những phát hiện mới, các chuyên gia thấy rằng tỷ lệ mắc rung tâm ở những người tiêu thụ nhiều muối cao hơn so với những người có mức muối tiêu thụ thấp. Phát hiện mới này rất quan trọng cho thấy việc điều chỉnh chế độ ăn uống cũng giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc chứng rung tâm nhĩ và các bệnh tim mạch khác. Rung tâm nhĩ là căn bệnh ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn cầu. Đây là tình trạng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất. Những người mắc bệnh này có nhiều nguy cơ bị đột quỵ và trong trường hợp nguy hiểm, nó cũng có thể dẫn đến suy tim.
Ăn quá nhiều thực phẩm đã qua chế biến.
Thực phẩm siêu chế biến là nước ngọt, bánh snack, bánh quy, bánh ngọt, thịt chế biến sẵn, gà chiên cốm (chicken nugget), súp ăn liền có bột được đóng gói sẵn và nhiều mặt hàng được bán trên thị trường thường được biết đến như là "thực phẩm tiện lợi".
Thực phẩm siêu chế biến được biết đến là thực phẩm được làm chủ yếu từ chất béo, đường nhiều, các tinh chế và dầu hydro hóa. Và theo Tiến sĩ Young, ăn vặt liên tục những thực phẩm này có thể góp phần vào nguy cơ mắc bệnh tim vì những thực phẩm này rất giàu calo và dễ dàng góp phần làm tăng cân dẫn đến béo phì - mà béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim.
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí của Trường Cao đẳng Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy chế độ ăn nhiều thức ăn nhanh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nguy cơ này tăng lên với mỗi khẩu phần thực phẩm chế biến bổ sung hàng ngày. Cũng theo nghiên cứu sơ bộ được trình bày tại Hội thảo khoa học của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ từ 16-18/11/2019 tại Philadelphia, thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến việc làm yếu đi sức khỏe tim mạch.
Thực phẩm siêu chế biến được làm hoàn toàn hoặc chủ yếu từ các chất được chiết xuất từ thực phẩm, chẳng hạn như chất béo, tinh bột, chất béo hydro hóa, đường, tinh bột biến đổi và các hợp chất khác và bao gồm các chất phụ gia mỹ phẩm như hương nhân tạo, màu sắc hoặc chất nhũ hóa. Vì vậy chúng rất tiện lợi, không mất nhiều thời gian để chuẩn bị. Ngoài ra, thực phẩm siêu chế biến thường có vị rất thơm ngon, đậm đà và giá lại rẻ.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) nhận thấy rằng cứ tăng 5% lượng calo từ thực phẩm siêu chế biến mà một người ăn thì sức khỏe tim mạch sẽ giảm tương ứng.
Ăn vặt quá nhiều cũng có nguy cơ mắc nhiều các bệnh về tim mạch
Không ăn vặt, hạn chế ăn các món nướng
Ăn thực phẩm lành mạnh và cung cấp cho cơ thể nhiều chất dinh dưỡng cũng rất quan trong cho sức khỏe tim mạch. Theo Rachel Fine, RDN, chuyên gia dinh dưỡng và người sáng lập To the Pointe Nutrition, việc không ăn vặt hoặc ăn không đủ chất trong ngày cũng có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe của bạn. Ông nói: “Không ăn vặt vì các quy tắc đặt ra bởi một chế độ ăn kiêng hạn chế có thể góp phần vào các kết quả không tốt cho sức khỏe”
Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Khoa dinh dưỡng lâm sàng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, những đồ ăn vặt thường được chế biến sẵn, nguồn gốc chưa kiểm soát được, để tạo sự hấp dẫn, bảo quản được lâu thì những thức ăn này thường nhiều đường, muối mỡ. Đây là một trong các nguy cơ gây các bệnh rối loạn chuyển hóa trong đó thừa cân béo phì là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến bệnh tim mạch. Tốt nhất không nên ăn vặt, nếu muốn ăn thì nên ăn vặt một cách “thông minh” như lựa chọn những đồ ăn tự mang đi, những thức ăn từ tự nhiên như hoa quả, sữa… có đầy đủ nhãn mác.
Đồ nướng và bánh ngọt…là những món ăn vặt yêu thích của nhiều người. Nhưng theo Trista Best, MPH, RD, LD, một chuyên gia dinh dưỡng của Tạp chí Balance One Supplements (Mỹ), ăn vặt liên tục với các món nướng có thể gây ra những hậu quả tiêu cực về sức khỏe. Ông cho biết: “Đường bổ sung và chất béo bão hòa, chuyển hóa được sử dụng để tạo ra những món ăn nhẹ này có liên quan đến việc tăng cholesterol, huyết áp và chất béo trung tính, và lượng đường bổ sung dư thừa trong chế độ ăn uống có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim bất kể về cân nặng. Chúng cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu và viêm mãn tính, cả hai đều khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tim, đau tim và đột quỵ”. Không chỉ vậy, đồ ăn có đường không có chất xơ hoặc protein sẽ không gây no và rất có thể khiến bạn vẫn cảm thấy đói ngay cả khi đã ăn xong.
Chế độ ăn uống hợp lý và khoa học là cách bảo vệ sức khoẻ của bản thân hiệu quả nhất. Hạn chế các món ăn nhanh, những thức ăn nhiều đường, muối giúp cho cơ thể giảm bớt tỉ lệ mắc các bệnh về tim mạch.
Xuân Vinh