Số ca ngộ độc rượu methanol tăng, cần có biện pháp xử lý nghiêm
SK&MT- Trong buổi Hội thảo "Tác hại của việc lạm dụng rượu bia, xử lý và điều trị ngộ độc rượu có methanol cao" (10/4), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, rượu có hàm lượng methanol gây ngộ độc nặng, tổn thương thần kinh, mù mắt thậm chí gây chết người.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 10 năm qua, toàn quốc có 382 người bị ngộ độc do sử dụng rượu không an toàn làm 98 người chết. Số ca tử vong do rượu có hàm lượng methanol chiếm gần 50%, còn lại là tử vong do ngộ độc rượu trắng và rượu ngâm cây rừng.
Thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ Trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, từ đầu năm đến nay tại Trung tâm đã tiếp nhận 34 người vào cấp cứu vì ngộ độc rượu có chứa methanol, trong đó 9 người tử vong.
Vài năm trước, mỗi năm chỉ ghi nhận vài ca ngộ độc rượu, tuy nhiên năm 2016 ghi nhận hơn 60 trường hợp và con số này trong ba tháng của năm 2017 đang gia tăng nhanh chóng. Nhiều trường hợp ngộ độc rượu may mắn thoát chết thì hậu quả cũng để lại di chứng nặng nề.
Việt Nam hiện đang trở thành quốc gia tiêu thụ rượu bia cao nhất Đông Nam Á với khoảng 3 tỉ lít bia và 68.000 lít rượu mỗi năm. Đặc biệt, trong đó có nhiều rượu giả, rượu tự pha chế.
Trước tình trạng này, ông Nguyễn Hùng Long cho rằng hiện nay, rượu tự nấu chiếm khoảng 70% thị trường.
Để phòng ngừa ngộ độc rượu methanol phải kiểm tra, tập trung vào những người kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở ăn uống nhỏ lẻ. Ở những nơi này, rượu không nhãn mác rất nhiều trong khi đó, bằng mắt thường và kể cả lúc uống, không thể phân biệt một chai “rượu quê”, rượu tự nấu với rượu được pha từ cồn công nghiệp methanol.
Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam ông Nguyễn Văn Biệt, cho biết theo các báo cáo, hiện cả nước mới cấp giấy phép sản xuất cho khoảng 15% các hộ sản xuất rượu thủ công.
Bên cạnh đó, ông Việt nhấn mạnh“Rõ ràng việc quản lý rượu dân tự nấu đang có vấn đề. Luật quy định cơ sở sản xuất rượu phải được cấp giấy phép, cơ sở bán rượu phải bán rượu có nhãn mác đầy đủ nhưng với hàng trăm ngàn hộ nấu rượu thủ công, việc cấp phép là rất khó. Không thể có cơ quan nào kiểm soát hết việc một bác nông dân hoặc một bà đồng nát nhưng về nhà lại tự nấu vài lít, vài chục lít rượu... bán chơi”.
Thời gian qua trên toàn quốc xảy ra nhiều vụ ngộ độc, đặc biệt sử dụng rượu methanol gây hậu quả nghiêm trọng, có nơi chết hàng chục người nhưng xác định người đứng ra chịu trách nhiệm rất khó. Chính vì thế theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, dù các quy định về quản lý rượu đã có nhiều nhưng chưa thật chặt chẽ, rõ ràng. Ngay cả trong những vụ ngộ độc rượu gây tử vong thời gian qua nhưng ai là người chịu trách nhiệm chính vẫn chưa rõ. Ngành Y tế, NN& PTNT hay Công Thương, Công an phải chịu trách nhiệm chính, cần phân định rõ ràng hơn.
Theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công Thương cũng thừa nhận hiện chưa thể thống kê chính xác số lượng rượu tự nấu, các số liệu thống kê chỉ là ước tính. Trách nhiệm quản lý loại rượu này thuộc chính quyền địa phương.
Bộ Y tế cũng đề xuất nên phân biệt cồn công nghiệp methanol bằng màu đặc trưng để tránh nhầm lẫn vì đã có trường hợp mua cồn công nghiệp về pha rượu do nhầm lẫn với cồn thực phẩm.
Bảo Ngọc