Cảnh báo các bệnh dễ gặp vào mùa thu đông mà bạn không thể bỏ qua
Bệnh truyền nhiễm thường gia tăng vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là sự bùng phát của các bệnh cấp tính và dễ lây lan thành dịch. |
Sốt, cảm lạnh và cảm cúm
Khi thời tiết trở lạnh, các virus gây bệnh có điều kiện thuận lợi để phát triển và lan rộng. Sốt trong thời gian giao mùa chủ yếu là do virus, thường biểu hiện dưới dạng sốt phát ban, cúm... với nhiệt độ cơ thể từ 38,5°C trở lên. Người già và trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh do sức đề kháng kém.
Triệu chứng phổ biến và dễ nhận biết khi bị sốt do virus bao gồm sốt cao, hắt hơi liên tục, chảy nước mắt, chảy mũi, mắt đỏ, đau nhức cơ khớp, đau đầu... Nếu bệnh ở thể nhẹ, người bệnh có thể sốt từ 3-5 ngày và tự khỏi. Tuy nhiên, ở thể nặng, người bệnh có thể sốt mê man từ 5-7 ngày và dễ gặp các biến chứng như viêm đường hô hấp cấp trên, viêm phổi.
Cảm lạnh thường xảy ra vào mùa đông nhưng cũng dễ mắc vào mùa thu khi bị ướt mưa, nằm ngủ trong gió quạt hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột. Các triệu chứng của cảm lạnh bao gồm nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau nhức toàn thân, đau họng, ho...
Bệnh sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra và là một trong những bệnh thường gặp vào mùa thu. Bệnh có các triệu chứng điển hình như sốt, phát ban, ho, mắt đỏ (viêm kết mạc), chảy nước mũi và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, loét giác mạc, viêm não, có nguy cơ dẫn đến tử vong. Bệnh lây lan qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn từ người bệnh hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt bị nhiễm dịch tiết hô hấp.
Khi trẻ mắc sởi, cha mẹ không nên kiêng nước, kiêng gió hay kiêng ăn. Việc không ăn đủ chất có thể kéo dài bệnh, còn việc kiêng gió, kiêng nước dễ gây mất vệ sinh, làm tăng nguy cơ viêm phổi và các bệnh viêm đường hô hấp khác.
Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người mắc phải. |
Bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là căn bệnh phổ biến vào các tháng 9, 10 và 11 hàng năm khi thời tiết thay đổi phức tạp. Bệnh thường ảnh hưởng đến trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, đặc biệt là nhóm dưới 5 tuổi. Triệu chứng khởi đầu của bệnh bao gồm sốt nhẹ hoặc sốt cao, đau họng, chảy nước dãi; một số trường hợp có thể bị nôn và tiêu chảy. Đặc điểm nổi bật của bệnh là các mụn nước xuất hiện trên niêm mạc má, lợi và lưỡi, nhanh chóng phát triển thành vết loét gây đau rát. Bên cạnh đó, các nốt phát ban có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối và mông. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng thần kinh, hô hấp, hoặc tuần hoàn. Do đó, khi thấy các dấu hiệu này, cần đưa trẻ đi khám để xác định chính xác nguyên nhân sốt và có biện pháp điều trị phù hợp.
Viêm mũi dị ứng
Khi thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi và các tác nhân như phấn hoa, cây cỏ, nấm mốc trong môi trường có thể gây viêm mũi dị ứng cho những người có cơ địa nhạy cảm. Các triệu chứng thường gặp bao gồm ngứa mũi, hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, nghẹt mũi. Tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng đến mắt, gây ngứa, đỏ mắt và chảy nước mắt. Mặc dù viêm mũi dị ứng không nguy hiểm nhưng thường gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Viêm đường hô hấp
Thời điểm chuyển mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus phát triển, phát tán trong không khí và tấn công cơ thể, đặc biệt là hệ hô hấp. Các bệnh thường gặp bao gồm viêm phế quản, viêm đường hô hấp và viêm phổi. Những bệnh này lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với nước bọt hoặc đồ vật có chứa mầm bệnh. Triệu chứng phổ biến là sốt cao đột ngột, đau đầu, lạnh người, đau nhức toàn thân, đau họng, ho, mệt mỏi; đôi khi kèm chán ăn, khó thở hoặc tiêu chảy nhẹ.
Các bệnh lý do viêm đường hô hấp trên ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. |
Viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus viêm não Nhật Bản gây ra, thường bùng phát vào mùa hè và đầu mùa thu, đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên. Mỗi năm, có khoảng 60.000 trường hợp mắc bệnh trên thế giới, trong đó 25-30% có nguy cơ tử vong. Đối với những người sống sót, khoảng 50% sẽ gặp các di chứng nặng nề như co cứng cơ, liệt vận động, hoặc bại não. Một số di chứng khác có thể kéo dài suốt đời như động kinh, suy giảm trí tuệ, và mất thính lực, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Bệnh viêm não Nhật Bản thường có thời gian ủ bệnh từ 5 đến 14 ngày, sau đó bệnh khởi phát với các triệu chứng như sốt cao đột ngột từ 39-40 độ C, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn. Một số triệu chứng khác bao gồm cứng gáy, rối loạn vận động cơ, tăng trương lực cơ và mất ý thức. Viêm não Nhật Bản lây truyền chủ yếu qua muỗi đốt, và trẻ em có nguy cơ mắc cao hơn do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và có thể chưa được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ. Để phòng tránh bệnh, trẻ cần được tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản, đặc biệt là trong các thời điểm giao mùa, và nên sử dụng các biện pháp chống muỗi để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
Đau nhức xương khớp
Đau nhức xương khớp là tình trạng thường gặp vào mùa thu, khi thời tiết chuyển lạnh khiến nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi, cảm thấy khó chịu và đau nhức ở các khớp. Tuy nhiên, không chỉ người già mà phụ nữ từ 35 tuổi trở lên cũng có thể bị đau nhức xương khớp, đặc biệt là khi mắc các bệnh lý như loãng xương và thoái hóa khớp. Loãng xương có thể gây yếu và giòn xương, dẫn đến nguy cơ rạn nứt hoặc gãy xương khi có va chạm mạnh như té ngã. Thoái hóa khớp, khi tiến triển, có thể làm mất sụn khớp và gây tổn thương nghiêm trọng cho xương, thậm chí dẫn đến việc phải thay khớp nhân tạo để duy trì vận động.
Khớp gối rất dễ bị đau nhức khi trời lạnh, đặc biệt thường gặp ở người cao tuổi. |
Người cao tuổi và những người dễ bị đau nhức xương khớp cần chú ý duy trì chế độ ăn uống cân đối, bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết khác để hỗ trợ sức khỏe xương khớp. Đồng thời, việc giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh cũng rất quan trọng, giúp giảm thiểu nguy cơ đau nhức. Điều chỉnh mức độ tập luyện phù hợp với thể trạng của mỗi người để duy trì độ linh hoạt và sức khỏe của xương khớp cũng là biện pháp hữu ích trong mùa này.
Bệnh dị ứng
Trong thời điểm giao mùa, thời tiết khô hanh và nhiệt độ thay đổi thất thường làm gia tăng lượng dị nguyên trong không khí như phấn hoa, bụi bông, lông động vật, khói và các chất gây dị ứng khác. Đây là các yếu tố chính gây ra các chứng dị ứng như viêm da dị ứng, mề đay, viêm kết mạc và hen phế quản. Dị ứng thời tiết có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ, đặc biệt là những người có cơ địa nhạy cảm, khiến họ dễ bị các phản ứng như ngứa, nổi mẩn, đỏ da và hắt hơi liên tục.
Mặc dù hầu hết các trường hợp dị ứng thời tiết đều không gây nguy hiểm, chúng thường ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày và chất lượng cuộc sống, gây mất ngủ, mệt mỏi và suy giảm hiệu suất làm việc hoặc học tập. Triệu chứng dị ứng thời tiết có thể tự thuyên giảm nhưng cũng có khả năng chuyển thành mãn tính và kéo dài, ngay cả khi được điều trị. Các triệu chứng điển hình của dị ứng thời tiết thường bùng phát mạnh sau khi người bệnh tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, hoặc trong điều kiện độ ẩm cao. Đa số các triệu chứng xuất hiện trên da và đường hô hấp, và đôi khi ảnh hưởng đến mắt và cổ họng.
Cách phòng bệnh khi giao mùa
Người dân không nên chủ quan với các bệnh mùa thu đông. Để phòng tránh hiệu quả, cần tiêm vắc xin đầy đủ, đặc biệt cho các bệnh như cúm, sởi, và ho gà.
Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là cổ, ngực, và bàn chân, để tránh cảm lạnh. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và nhiều hoa quả, đặc biệt là các loại trái cây họ cam quýt như cam, bưởi, để tăng cường vitamin C và sức đề kháng.
Cân bằng dinh dưỡng với các nhóm chất như tinh bột, đạm, và chất béo là rất quan trọng. Bổ sung thực phẩm chứa kẽm như cá, thịt nạc, và lòng đỏ trứng để hỗ trợ đề kháng.
Tăng cường luyện tập thể thao, lựa chọn trang phục phù hợp với thời tiết. Đeo khẩu trang khi ra ngoài để ngăn ngừa vi rút lây qua đường hô hấp, đặc biệt khi có triệu chứng hô hấp.