Sử dụng nước sạch đúng cách để bảo vệ sức khỏe
Nước sạch là nền tảng cho cuộc sống hằng ngày của con người. Con người duy trì cuộc sống hàng ngày bằng cách sử dụng nước sạch để đáp ứng cho các nhu cầu ăn uống và sinh hoạt như tắm rửa, giặt giũ, rửa rau, vo gạo,...
Hậu quả của việc dùng nước không sạch
Sử dụng nước không sạch sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, vì nước là môi trường trung gian chuyển tải các chất hóa học và các loại vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng gây bệnh mà mắt thường không nhìn thấy được.
Nếu ăn và uống nước không sạch sẽ gây ra các bệnh của đường tiêu hóa như: đau bụng, tiêu chảy, giun sán,… Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 1,4 triệu người tử vong mỗi năm và 74 triệu người bị giảm tuổi thọ do các bệnh liên quan đến nước bẩn và điều kiện vệ sinh kém. Hơn một phần tư trẻ em dưới năm tuổi tại Việt Nam bị suy dinh dưỡng thể thấp còi mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và vệ sinh kém. Bên cạnh việc bị ảnh hưởng về sức khỏe, các em còn dễ bị bệnh hơn và ít có khả năng phát triển chiều cao đầy đủ hoặc khó phát triển đầy đủ năng suất lao động khi trưởng thành.
Nhiều người dùng chung một nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh có thể gây bùng phát các vụ dịch trong cộng đồng và nếu phân hoặc chất thải của những người này không được xử lý tốt, gây ô nhiễm môi trường thì dịch bệnh lại càng có nguy cơ lan rộng hơn.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để bảo vệ sức khỏe trước các bệnh truyền nhiễm. |
Tắm rửa bằng nước không sạch là nguyên nhân gây ra các bệnh da liễu như ghẻ lở, viêm da, đau mắt và bệnh phụ khoa ở phụ nữ.
Các hóa chất thường gặp trong nước như sắt, chì, măng gan, thạch tín (Asen), thủy ngân, hóa chất bảo vệ thực vật, các sản phẩm dầu, mỡ và các hóa chất dùng trong công nghiệp,… Nếu hàm lượng của các chất này trong nước vượt quá tiêu chuẩn cho phép sẽ gây hại đối với sức khỏe như ngộ độc kim loại nặng (asen, thủy ngân, chì, hóa chất bảo vệ thực vật). Nếu hàm lượng hóa chất thấp hơn, có thể chưa ảnh hưởng ngay đến sức khỏe, nhưng các hóa chất có khả năng tích tụ trong các mô của cơ thể, về lâu dài có thể gây nên các bệnh nhiễm độc mãn tính hoặc ung thư. Ví dụ như sử dụng lâu dài nguồn nước bị nhiễm thạch tín (Asen) sẽ gây bệnh ung thư da và một số bệnh hiểm nghèo khác.
Do đó, việc sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình mỗi người.
Một số lưu ý khi sử dụng nguồn nước sạch tại gia đình
Hiện nay, có nhiều nguồn cung cấp nước sạch khác nhau như nước qua các trạm cấp nước sạch, nước mưa, nước giếng khơi, nước giếng khoan. Mỗi gia đình cần có ít nhất một trong các nguồn nước sạch nếu chưa có thì cần hỏi ý kiến tư vấn của Y tế địa phương để xây dựng cho mình một nguồn nước sạch thích hợp. Nước được lấy từ bất cứ nguồn nào cho dù đã xử lý thì trước khi uống cũng phải đun sôi, tuyệt đối không uống nước lã.
Lưu ý, đối với nước mưa hứng từ mái ngói gia đình, nên hứng nước vào bể sau khi mưa khoảng 5-10 phút để làm sạch mái ngói; bể nước mưa phải có nắp đậy cẩn thận, có gáo múc nước để nơi sạch sẽ, tốt nhất nên có vòi nước để dùng, tránh bụi bẩn trong quá trình sử dụng. Nước giếng khơi phải có nắp đậy miệng giếng và có gáo múc nước đảm bảo vệ sinh. Đối với nước giếng khoan, nếu nước bị đục hoặc có màu vàng tốt nhất nên cho qua bể lọc cát để lọc nước.
Nước sạch là tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận vì vậy mọi người phải có ý thức khai thác bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước sạch. Giữ sạch nguồn nước bằng cách không vứt rác, phóng uế bừa bãi ảnh hưởng đến nguồn nước sạch; sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn…Tiết kiệm nguồn nước sạch thông qua việc giảm lãng phí khi sử dụng nước vào các sinh hoạt hàng ngày; thường xuyên kiểm tra, bảo trì cải tạo lại đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước;…