Thanh Hóa: Chấn chỉnh các cơ sở kinh doanh dược hoạt động không đúng quy định
Ảnh minh hoạ |
Quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, cơ quan chức năng thấy vẫn còn một số cơ sở chưa thực hiện nghiêm quy định về hoạt động kinh doanh dược. Vẫn còn cơ sở kinh doanh hoạt động khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược như: Bán thuốc tại các chợ phiên, chưa nộp hồ sơ hoặc đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược nhưng chưa được Sở Y tế thẩm định, cấp phép hoạt động đã tổ chức bán thuốc…
Riêng một số cơ sở kinh doanh dược đã được cấp giấychứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược nhưng chưa thực hiện nghiêm quy định trong quá trình hoạt động như: Mua thuốc của các nhà cung ứng khi chưa có hồ sơ pháp lý, hợp đồng mua bán; kinh doanh thuốc hết hạn sử dụng; kinh doanh các sản phẩm dược không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thuốc có thông báo thu hồi của cơ quan có thẩm quyền; không niêm yết giá hoặc niêm yết giá chưa đúng quy định; chưa thường xuyên cập nhật dữ liệu xuất, nhập, tồn kho lên hệ thống dữ liệu dược quốc gia…
Từ cơ sở trên, Sở Y tế Thanh Hoá yêu cầu các cơ sở kinh doanh dược chỉ được phép hoạt động khi đã được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; người chịu trách nhiệm chuyên môn phải có mặt khi cơ sở hoạt động; phải niêm yết chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược tại khu vực kinh doanh dược; chỉ mua thuốc của các nhà cung ứng hợp pháp, đầy đủ hồ sơ pháp lý, có hợp đồng mua bán giữa hai bên, lưu trữ hoá đơn, chứng từ đầy đủ.
Các cơ sở phải có tài khoản kết nối liên thông với hệ thống dữ liệu dược quốc gia và thường xuyên cập nhật dữ liệu xuất, nhập, tồn kho; Thiết bị theo dõi nhiệt độ, độ ẩm tự ghi phải được hiệu chuẩn theo đúng quy định, các số liệu về nhiệt độ, độ ẩm phải được lưu giữ đầy đủ tại cơ sở, đảm bảo việc cung cấp dữ liệu khi có yêu cầu kiểm tra.
Đối với các cơ sở bán lẻ thuốc, trường hợp kinh doanh thêm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế thì phải có khu vực riêng, không bày bán cùng với thuốc và không gây ảnh hưởng đến thuốc, phải có biển hiệu khu vực ghi rõ “sản phẩm này không phải là thuốc”, không được sắp xếp, bày bán các mặt hàng tạp hoá, đồ ăn, đồ dùng gia đình… tại khu vực bảo quản, trưng bày thuốc. Thực hiện nghiêm quy định về bán thuốc theo đơn; các quy trình thao tác chuẩn (SOP) mà cơ sở đã ban hành.
Người hành nghề dược phải có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp chứng chỉ hành nghề dược hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất.
Ngoài ra, cơ sở kinh doanh dược phải thường xuyên cập nhập các văn bản pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành, cập nhật thông tin về thuốc, tra cứu tại cổng thông tin của Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược và Sở Y tế Thanh Hoá. Đồng thời, Sở Y tế Thanh Hoá sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm…