Thừa Thiên Huế: Lãnh đạo xã cấp đất rừng để “đại gia” xây dựng lăng mộ
Theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực di tích lịch sử Cách mạng dốc Ông Ẩm, thuộc địa bàn tổ dân phố Phú Ổ 2, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà. Đây là khu lăng mộ khá quy mô, được xây dựng bằng đá hộc, bê tông cốt thép cùng cây cảnh và nhiều hạng mục cảnh quan cho nơi an nghỉ của người thân ông Đạt, diện tích ước chừng khoảng 1000m2 đất rừng sản xuất đã bị san ủi, thế nhưng khi hỏi vấn đề này nhiều người như cán bộ địa phương đều trả lời vu vơ là không biết. Chỉ khi có áp lực của dư luận, Chủ tịch UBND phường mới trả lời là do thế hệ trước để lại, và chính quyền đang giải quyết vấn đề này nhưng rất khó khăn… đặc biệt là đương sự không đến trụ sở UBND địa phương theo giấy mời.
Khu lăng mô của gia đình ông Nguyễn Đạt được xây dựng trên đất rừng sản xuất khoảng 1000m2 là trái quy định pháp luật
Theo Luật Lâm nghiệp, rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, các lâm nghiệp khác, đặc sản rừng, động vật rừng và kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái. Rừng sản xuất được Nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế có đủ điều kiện được quy định tại điểm 3, Điều 10 của Luật này để sản xuất, kinh doanh theo hướng thâm canh, nông - lâm - ngư nghiệp kết hợp. Theo đó cấp có thẩm quyền được ra quyết định giao đất, giao rừng cho hộ cá thể là UBND cấp huyện, giao cho tập thể là UBND tỉnh và phải thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh. Nhưng tờ giấy được xem là giấy cấp đất rừng cho ông Nguyễn Đạt do Chủ tịch UBND phường ký với diện tích 300m2, không có ngày tháng năm cụ thể, không rõ vị trí khu đất và không có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất là hoàn toàn trái với pháp luật hiện hành.
Ông Nguyễn Huy Kiệm, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: “Việc cấp và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phải xin chủ trương và được phê duyệt của UBND tỉnh, sau đó cấp huyện, thị xã mới được phép cấp chuyển đổi mục đích đất rừng sản xuất, như trường hợp của ông Nguyễn Đạt xây dựng lăng mộ trên đất rừng sản xuất là trái quy định của pháp luật”.
Theo truyền thống đạo lý của người Việt, việc xây lăng đắp mộ cho cha mẹ, ông bà là trách nhiệm mang tính tâm linh, thể hiện chữ hiếu đạo của con cháu với tiền nhân, tuy nhiên cũng cần nhìn nhận ở góc độ pháp lý, cần công khai, minh bạch để người dân không còn băn khoăn, thắc mắc khi đất rừng là tài sản quốc gia nhưng lại cấp cho 1 cá nhân để sử dụng vào mục đích gia đình.
Ông Hà Văn Tuấn, chủ tịch UBND thị xã Hương Trà.
Trao đổi với ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, ông Tuấn khẳng định, việc cấp đất này là hoàn toàn sai trái, mọi giấy tờ không có giá trị. Thế nhưng sau nhiều ngày, việc giải quyết vấn đề cấp đất và chuyển đổi mục đích tại khu vực dốc Ông Ẩm, gây bức xúc vẫn chưa thể giải quyết được vì đối tượng không đến làm việc theo lịch mời của chính quyền sở tại. Và, công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm, phá vỡ nguyên trạng khu vực rừng trồng của phường Hương Chữ vẫn ngang nhiên tiếp diễn giữa ban ngày. Vì sao có thể coi thường pháp luật, bất chấp dư luận đến vậy, câu hỏi này xin nhường lại cho các cơ quan chức năng.
Bài và ảnh: MINH QUANG - THANH TRÍ