Tình cha trong đại dịch
Y bác sỹ điều trị bệnh nhân covid-19 nặng tại BVĐK TP.Sa Đéc đang chịu rất nhiều áp lực
Người đầu tiên ở miền Tây sau khi vượt qua covid-19 đã được thỏa tâm nguyện là vào Khoa điều trị covid-19 nặng của BVĐK TP.Sa Đéc để chăm sóc bệnh nhân là ông Trương Văn Bé Ba, nhà ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A (Hậu Giang), hộ khẩu thường trú tại ấp An Phú, xã An Khánh, huyện Châu Thành (Đồng Tháp).
Vừa điều trị vừa động viên con vượt qua covid…
Ngày 24/8, chúng tôi nhận điện thoại từ ông Ba yêu cầu trợ giúp gửi vật dụng cá nhân vào BVĐK TP.Sa Đéc cho con gái của ông (chị Hạnh, 45 tuổi) bị nhiễm covid-19 có bệnh nền suy thận mãn, đang được điều trị tại đó. Người đàn ông trên 70 tuổi, rắn rỏi này không nén được cảm xúc khi biết rằng con gái ông đã qua 5 ngày trong phòng cách ly, sức khỏe đang suy kiệt dần. Chiếc ba lô tư trang bị thất lạc trong quá trình chuyển viện, nên con ông cần vật dụng để tắm gội, vệ sinh răng miệng, uống thêm vitamin… và tinh thần đã trở nên khủng hoảng, cùng quẫn.
Ông Ba yêu cầu trợ giúp khi ông cũng bị nhiễm covid-19 đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 của TP.Cần Thơ. Ông hiểu rõ khả năng lây nhiễm của căn bệnh này. Nhân viên y tế, hộ lý cũng phải hạn chế vào phòng trợ giúp trực tiếp bệnh nhân, dọn dẹp vệ sinh. Những người có bệnh nền nặng, sức khỏe yếu như con của ông không tự chăm sóc được trở nên khốn khó. Ngoài liệu pháp điều trị, y bác sỹ không thể trợ giúp, chăm sóc chi tiết từ khâu vệ sinh, ăn uống, tăng cường vitamin, xông dầu,… và động viên tinh thần để họ đối mặt, vượt lên chính mình. “Khi chưa nhiễm covid thì con tôi cũng đã yếu ớt, ăn uống, đi lại đã rất khó khăn vì tiền sử bệnh phổi, suy tim, suy thận”.
Ông là một trong chùm ca nhiễm covid-19 tại khoa Thận (BVĐKTW Cần Thơ) bị lây từ một công nhân vệ sinh khi ở trong khu lưu trú nuôi con lọc thận. Con gái ông bị suy thận mãn phải lọc thận 3 lần/tuần nên hơn 4 năm qua, ông Ba ở bệnh viện nuôi con, ít khi được về nhà. Ngày 18/8, khi phát hiện chùm ca nhiễm này ông Ba được tách qua BV dã chiến số 2 cách ly, điều trị. Con gái ông là F1 nên ngay đêm đó được chuyển theo hộ khẩu về BVĐK TP.Sa Đéc để trị bệnh thận và hôm sau cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Qua điện thoại chị Hạnh cho biết đang ở tầng 2, đã phải trợ thở oxi. Những vật dụng cá nhân cần có chỉ khoảng 500 ngàn đồng nhưng để gửi đến tay chị thì vô cùng nan giải. Chúng tôi cố liên hệ một số công ty, người dân quen biết tại TP.Sa Đéc để nhờ nhưng tất cả đều “ba tại chỗ”, không được phép ra khỏi nhà, các cửa hàng đóng cửa… đành nhờ tới BCĐ phòng chống dịch bệnh covid-19 tỉnh chỉ đạo qua nhiều nấc xuống bệnh viện,… thì mới có nhân viên y tế đem ba lô tư trang, vật dụng cá nhân tới cho chị Hạnh.
Chị Hạnh đang được điều trị covid-19 ở tầng 2, tại BVĐK TP.Sa Đéc
“Ráng hết sức bơi vô bờ con ơi… ba sẽ tìm cách cứu con”
Tại BV dã chiến số 2 (Cần Thơ), hàng ngày ông Ba vừa tự chăm sóc, rèn luyện sức khỏe để vượt qua covid, vừa thường xuyên điện thoại động viên con gái cố sức ăn uống, cố sức thở,… để sống.
Ngày 29/8, được xuất viện, ông không trở về Cái Tắc (Hậu Giang) mà xin chuyển về Châu Thành (Đồng Tháp), để tìm cách tiếp cận BVĐK Sa Đéc chăm sóc cho con. Lên xe ra khỏi cổng BV dã chiến số 2 là ông đã khấp khởi điện báo tin cho vợ chồng anh con trai thứ hai ý định của mình. Nhưng chỉ một lát sau ông lại điện yêu cầu giải cứu vì tài xế chỉ chở ông đến cổng BVĐKTW Cần Thơ thì bỏ ông xuống bơ vơ ngơ ngác giữa tứ bề chốt chặn, không hiểu lý do gì.
Giải quyết tình huống này, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ phòng chống covid-19 TP.Cần Thơ cho biết, mặc dù theo quy định “trước đi ở đâu thì trả về ở đó” nhưng bệnh viện phải phối hợp cơ quan quản lý để chuyển giao về địa phương kiểm soát chặt chẽ. Theo sự chỉ đạo của ông Hiển, CDC Cần Thơ liên hệ CDC Đồng Tháp đưa xe qua chuyển ông Ba về cách ly tại căn nhà vườn từ lâu đã giao cho vợ chồng con trai thứ hai quản lý, sử dụng, thuộc ấp An Phú, xã An Khánh.
Chị hai Điệp (con dâu của ông Ba) cho biết, vì sợ lây nhiễm cho con nên ông Ba yêu cầu dọn sạch cái chuồng heo cũ để ông cách ly ngoài đó. Nhưng vợ chồng chị bố trí phòng khách, có lối đi riêng ra sau vườn để ông được sinh hoạt trong thời gian cách ly theo dõi tại nhà. Vậy mà suốt mấy ngày qua ông ăn ngủ không yên. Ngày cứ bồn chồn, trông ngóng, điện thoại, động viên con gái rồi lại thẫn thờ, chỉ muốn vô bệnh viện, đêm nào cũng quỳ lạy tổ tiên, tụng kinh cầu nguyện tới khuya.
Trong bệnh viện con gái ông vừa phải lọc thận vừa chống chọi với tinh trạng thiếu oxi, thoi thóp từng lời qua điện thoại. Đêm trước chị gục ngất trong nhà vệ sinh được bác sỹ trực phát hiện kịp thời. “Điện thoại sắp hết pin rồi, không sạc được, con không thể tự thay tã được nữa rồi… con đuối lắm…”. Nghe con nói đứt quãng từng lời, điện thoại tắt lịm, ông Ba chỉ biết gào lên: “Ráng bơi vô bờ đi con ơi… ba sẽ tìm cách cứu con”.
Thuật lại tình cảnh và tâm nguyện được vào bệnh viện chăm sóc con của ông Ba mà chị hai Điệp nghẹn ngào, nước mắt giàn dụa. Khổ nỗi bàn với nhiều cán bộ của tỉnh về chuyện cho ông vào bệnh viện đang tập trung rất nhiều bệnh nhân covid nặng, ai cũng lo vì ông tuổi cao, sức yếu, lại chưa từng có tiền lệ kể từ khi có dịch tới nay, nên chỉ nhận được câu trả lời: “Theo quy định của Bộ Y tế người bệnh mắc covid-19 là người cao tuổi không tự chăm sóc và trẻ em dưới 6 tuổi mới có người thân vào chăm sóc. Bệnh viện không thể làm trái quy định”.
Ông Ba được cán bộ y tế đưa lên BVĐK TP.Sa Đéc vào khoa điều trị covid-19 nặng để chăm sóc con gái
“Ba đi lần này có bề gì các con ở lại đùm bọc lẫn nhau”
Ngày 4/9, ông Ba lại tiếp tục xin trợ giúp để ông đạt tâm nguyện vào BVĐK TP.Sa Đéc, vì con ông rất cần có ông bên cạnh trong giờ phút sinh tử này, các bệnh nhân covid-19 nặng cũng vậy, họ rất cần sự trợ giúp nhiều việc cụ thể, y bác sỹ chịu nhiều áp lực, không thể nào giải quyết hết được.
Trước tấm lòng thương con mãnh liệt của một người cha và xét thấy phù hợp với tinh thần kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn về việc động viên F0 khỏi bệnh tham gia phòng chống dịch, chăm sóc bệnh nhân covid-19 nặng, một lần nữa chúng tôi lại kiến nghị tới ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ phòng chống dịch CoViD-19 tỉnh Đồng Tháp giải quyết tâm nguyện của ông Ba.
Ngay sau đó, ông Bửu đã chỉ đạo Sở Y tế liên hệ, xem xét. Hôm sau (5/9), cơ quan y tế có thông báo giải quyết cho ông Ba vào bệnh viện chăm sóc con và các bệnh nhân covid-19 theo tâm nguyện, với điều kiện: “Chỉ được vào phòng chăm sóc ở tầng 2, khi nặng hơn phải chuyển sang phòng chăm sóc đặc biệt thì ông phải về”.
Nghe cán bộ y tế thông báo, ông Ba mừng lắm, còn vợ ông đi thăm con cũng vì dịch covid-19 nên còn đang mắc kẹt bên Đài Loan thì điện về khóc rấm rứt. “Ba đi lần này có bề gì thì các con ở lại phải đùm bọc nhau đó”, ông Ba rưng mắt, căn dặn vợ chồng chị hai Điệp, trước khi theo cán bộ y tế lên BVĐK Sa Đéc vào khoa điều trị Covid nặng.
Ông Ba và con gái tại Khoa điều trị bệnh nhân covid-19 nặng của BVĐK TP.Sa Đéc
Chị hai Điệp cho hay, ông Ba được cấp bộ đồ bệnh nhân, ở tại phòng, phụ việc trợ giúp các bệnh nhân trong phòng. Dọn dẹp, khử khuẩn nhà vệ sinh, giường, tủ,… những bệnh nhân yếu cũng được ông giúp đút sữa, đút cháo, sạc điện thoại… nên mọi người vui hơn, đỡ phần công việc cho y bác sỹ và nhân viên y tế.
Nhận hồi âm của chị hai Điệp trong tâm trạng khó tả, tôi chuyển lời cảm ơn tới ông Đoàn Tấn Bửu và ngậm ngùi chia sẻ cùng ông về tình cảm của một người cha đã vượt thoát bạo bệnh cùng nhiều trở ngại giăng đầy trong đại dịch để được đến bên con đối mặt với thử thách sinh tồn.
HÙNG LONG