TP.HCM: Ăn bao tử cá mặt thỏ một người suýt bỏ mạng do độc tố Tetrodotoxin
Ngày 21/9, BS. Từ Kim Thanh - Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện (BV) quận 2, cho biết BV vừa cứu sống một bệnh nhân do ăn bào tử cá mặt có độc tốc Tetrodotoxin.
Sau 6 giờ lọc máu, bệnh nhân Q. đã qua cơn nguy kịch và đang tiếp tục điều trị tại BV quận 2.
Trước đó vào chiều 18/9, ông Q. (40 tuổi, ngụ quận 2) nhập viện cấp cứu trong tình trạng co giật nhẹ, yếu liệt chân tay, khó thở, tê vùng đầu- mặt, nói khó... Song, chỉ 10 phút sau đó tình trạng ông Q. trở nên nguy kịch bất thường: Hôn mê sâu, liệt toàn bộ chân tay, người tím tái, giãn đồng tử...
Trước nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ thực hiện hồi sức tích cực, đặt nội khí quản. Sau khi hội chẩn nhanh, ông Q. được chỉ định lọc máu nhằm kịp thời hóa giải tình trạng nguy kịch: “Bệnh diễn tiến nhanh đến mức khi ghi nhận bệnh sử, vừa kịp nói ăn bao tử cá mặt thỏ xong là bệnh nhân hôn mê luôn”- BS. Từ Kim Thanh thông tin thêm.
Trước triệu chứng diễn ra “chóng mặt” như trên, căn cứ ghi nhận bệnh sử, các bác sĩ phán đoán tình trạng ngộ độc Tetrodotoxin không hề nhẹ (độ 3, 4). “Với tình trạng này, nếu không được lọc máu hấp thụ chất độc, bệnh nhân Q. sẽ tử vong”- BS. Từ kim Thanh, nói.
Theo thông tin từ BS Từ Kim Thanh, qua khoảng 6 giờ lọc máu, bệnh nhân Q. có nhiều biểu hiện tích cực như nhúc nhích được các đầu ngón tay, ngón chân và dần hồi tỉnh. Hiện bệnh nhân Q. đã được rút nội khí quản và đang hồi phục rất nhanh. Đây là trường hợp ngộ độc cá mặt thỏ lần đầu tiên BV gặp phải. Rất may là bệnh nhân Q. kịp thời đến BV để được cứu chữa hiệu quả.
Cũng theo BS Từ Kim Thanh, đối với trường hợp của bệnh nhân Q. chỉ muộn khoảng 10 phút nữa là rất khó bảo toàn mạng sống. Tetrodotoxin là độc tố thần kinh thường được tìm thấy trong gan, da, thịt một số sinh vật biển như cá nóc, sứa, bạch tuột, ốc...
Người bị nhiễm Tetrodotoxin thường bị tê, ngứa môi và cả phía trong miệng, đính kèm yếu liệt cơ, hạ huyết áp... Đặc biệt là tất cả triệu chứng này diễn ra rất nhanh sau khi nhiễm độc và tử vong trong vòng 30 phút nếu không được cứu chữa kịp thời.
Được biết, cá mặt thỏ sống chủ yếu ở khu vực các đảo Phú Quý, Bình Sơn, Quảng Ngãi... Tên cá mặt thỏ do răng cá này giống răng thỏ. Dù cá răng thỏ, song cá không hiền như thỏ mà cực kỳ hung dữ, ăn tất cả các loài cá yếu hơn, thậm chí ăn cả đồng loại. Dân chài ở các vùng biển nói trên gọi cá mặt thỏ là cá nóc mú, do không chỉ giống hệt cá nóc về hình dáng mà cả độc tố Tetrodotoxin.
Gia Thanh