Về việc viên bổ thảo mộc G-Star và L-Star Original chứa chất cấm: Trung tâm Quacert xác nhận
Như Sức khỏe & Môi trường điện tử đã thông tin, hai sản phẩm viên bổ thảo mộc G-Star và viên uống giảm cân L-Star Original được xác định chứa chất cấm nhưng đến nay vẫn lưu hành. Theo đại diện Công ty TNHH Health Star, kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert) - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, là sai quy định và quy trình thực hiện nên không công nhận kết quả này.
Sản phẩm Viên bổ thảo mộc G Star, L-Star Original chứa chất cấm Phenolphthaleine, Sibutramine.
Để tiếp tục làm rõ vụ việc, PV Sức khỏe & Môi trường đã có buổi làm việc trực tiếp với Trung tâm Chứng nhận phù hợp Quacert.
Tại buổi làm việc, ông Trần Quốc Quân - Phó Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert) xác nhận, phiếu kết quả thử nghiệm hai sản phẩm viên bổ thảo mộc G-Star và viên uống giảm cân L-Star Original mà phía tòa soạn cung cấp là của trung tâm. Đây là kết quả sau khi trung tâm thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu kiểm tra các sản phẩm có chứa chất cấm hay không của khách hàng.
“Chúng tôi cũng nhận được văn bản phản ứng từ phía công ty Health Star. Về việc này, trung tâm sẽ báo cáo về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và có câu trả lời thích đáng trong thời gian sớm nhất”, ông Quân chia sẻ.
Nói về quy trình thực hiện xét nghiệm các mẫu vật, ông Trần Quốc Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert) cho biết, hoạt động của trung tâm là cung cấp dịch vụ, làm công việc thuần túy về chuyên môn kỹ thuật theo đúng Nghị định 107 của Chính phủ.
“Khi khách hàng mang mẫu đến yêu cầu phân tích về hàm lượng chất nào đó thì chúng tôi sẽ xét nghiệm. Cụ thể quy trình gồm: Nhận mẫu, ghi nhận yêu cầu của khách hàng, mã hóa mẫu và thử nghiệm theo yêu cầu. Khi có kết quả thì chúng tôi báo lại đúng như vậy. Còn việc sử dụng kết quả đó như thế nào thì là trách nhiệm của chính khách hàng. Đối với cơ quan chức năng, chúng tôi cũng tiến hành như thế để các đơn vị dựa trên kết quả đó xử lý theo đúng thẩm quyền”, ông Dũng cho hay.
Phó Giám đốc Trần Quốc Dũng cũng cung cấp thêm thông tin, các mẫu gửi về Trung tâm để làm xét nghiệm đều được lưu lại trong khoảng thời gian nhất định để đảm bảo tính khách quan trong công việc.
Phiếu kết quả thử nghiệm từ Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert) cho thấy 2 sản phẩm G-Star và L-Star có chứa chất cấm của Bộ Y tế.
Trước đó, theo kết quả thử nghiệm thành phần của 2 sản phẩm viên bổ thảo mộc G-star và L-star Original (do Công ty TNHH Health Star phân phối và chịu trách nhiệm) từ Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert) cho thấy, trong thành phần của viên bổ thảo mộc G-Star chứa hàm lượng chất Phenolphthalein còn trong viên uống giảm cân L-Star Original chứa chất Sibutramine. Đây là hai hợp chất cấm – theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Trước đó, ngày 14/4/2011, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã có văn bản đình chỉ lưu hành và thu hồi toàn bộ sản phẩm chứa hoạt chất sibutramine. Đồng thời, trên website của 2 đơn vị này cũng đăng tải rất nhiều cảnh báo về tình trạng một số cá nhân vì lợi nhuận mà coi rẻ sức khỏe người tiêu dùng, vẫn để thành phần có chứa hoạt chất sibutramine và Phenolphthalein gây hại vào sản phẩm.
Sức khỏe & Môi trường điện tử sẽ tiếp tục làm việc với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để phản ánh thông tin.
Xuân Đoàn
Theo các chuyên gia y tế cho biết, Sibutramine là hợp chất được sử dụng để giảm sự thèm ăn, thường được dùng trong điều trị bệnh béo phì. Hợp chất này được quản lý chặt chẽ và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấm sử dụng từ tháng 10/2010, do có nguy cơ làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim và gây nguy hiểm cho những người có tiền sử bệnh về động mạch vành, đau tim, loạn nhịp tim hoặc đột quỵ. Ngoài ra, sibutramine cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác có khả năng gây chết người. Phenolphthaleine là hóa chất thường được sử dụng trong việc đo độ kiềm/axit (pH) của dung dịch dựa vào khả năng đổi màu của nó. Chất này đã từng được sử dụng trong điều trị táo bón nhưng do các nghiên cứu cho thấy nó có khả năng là chất gây ung thư (carcinogen) nên đã bị FDA cấm lưu hành từ năm 1999. Hiện nay, chất này đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi thành phần hoạt tính của tất cả các loại thuốc lưu hành tại Mỹ. |