WHO cảnh báo Covid-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu
Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc lần đầu tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào ngày 30/1/2020. Đây cũng là mức cảnh báo cao nhất đối với một loại dịch bệnh. Mục tiêu là đẩy nhanh những nghiên cứu, tăng khoản viện trợ các biện pháp y tế công cộng để ngăn chặn dịch bệnh.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước tăng cường tiêm vaccine phòng Covid-19.
Theo Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan, số ca mắc Covid-19 thông báo lên WHO đã tăng 30% trong 2 tuần qua chủ yếu do biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron gây ra trong khi nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp phòng chống.
Các nhà lãnh đạo WHO cho rằng làn sóng mới của virus một lần nữa chứng minh rằng Covid-19 chưa có dấu hiệu chấm dứt và chúng đang tự do lưu hành. Tuy nhiên, để ứng phó tình hình hiện tại, chúng ta đang ở một vị trí tốt hơn nhiều so với lúc bắt đầu đại dịch.
WHO đưa ra các biện pháp nhằm đẩy lùi Covid-19 trong giai đoạn mới, khuyến nghị các nước cập nhật kế hoạch và chuẩn bị ứng phó với kịch bản dịch bệnh trở thành đặc hữu.
WHO cũng kêu gọi các quốc gia giải quyết thách thức về truyền thông, phối hợp giữa cộng đồng, các nhà lãnh đạo chính trị và giới khoa học để chống thông tin sai lệch, xây dựng lại lòng tin công chúng sau thời gian dài mệt mỏi vì đại dịch.
Sau thời gian suy yếu, Covid-19 có xu hướng nóng trở lại trên toàn cầu kể từ tháng 6. Bốn khu vực ghi nhận số ca mắc gia tăng nhiều nhất là Đông Địa Trung Hải, châu Âu, Đông Nam Á và châu Mỹ. Đợt bùng phát mới nhất chủ yếu do hai biến chủng phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 gây ra. Cả hai có chung đột biến khiến khả năng lây truyền cao hơn. Các dấu hiệu ban đầu cho thấy virus có thể trốn tránh miễn dịch một cách hiệu quả.
Tổng Giám đốc WHO lưu ý trong bối cảnh số ca mắc và nhập viện gia tăng, chính phủ các nước cũng phải triển khai các biện pháp đã được áp dụng như đeo khẩu trang, cải tạo hệ thống thông gió, tăng cường xét nghiệm và đề ra phương pháp điều trị.
Về vaccine phòng Covid-19, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh vaccine đã cứu sống hàng triệu người. Vì vậy, điều quan trọng là các chính phủ phải tập trung vào việc thúc đẩy những cộng đồng có nguy cơ cao nhất, tìm những người chưa được tiêm chủng để xây dựng bức tường miễn dịch hướng tới mục tiêu 70% dân số mọi quốc gia được tiêm đủ liều cơ bản vào giữa năm 2022 (khoảng 11 tỷ liều).
Việt Nam ngày 27/5 ghi nhận biến chủng phụ BA.5 của Omircon. Giới chức cảnh báo nếu người dân chủ quan trong tiêm mũi vaccine nhắc lại và không chú trọng các biện pháp phòng chống, dịch bệnh có nguy cơ rất cao bùng phát trở lại. Do đó, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid mũi 3, 4 cho người từ 12 tuổi, nhằm ngăn chặn làn sóng Covid-19 mới. |
THANH LAM