WHO: Đại dịch COVID-19 sẽ còn hoành hành hơn 1 năm nữa
Tiến sĩ Bruce Aylward, một lãnh đạo cấp cao tại WHO, đánh giá dịch COVID-19 có thể “dai dẳng đến năm 2022”. Chưa đầy 5% dân số châu Phi được tiêm vaccine COVID-19 trong khi hầu hết châu lục khác tỷ lệ này là 40%. Ông Aylward đã kêu gọi các quốc gia giàu tạm lùi về phía sau để công ty dược có thể ưu tiên những nước thu nhập thấp.
WHO đặt mục tiêu đến cuối năm 2021, 40% dân số thế giới sẽ tiêm đủ vaccine COVID-19. Nhưng gần đây COVAX thậm chí còn giảm số liều vaccine dự kiến chuyển đến châu Phi, từ 620 triệu liều xuống chỉ còn 470 triệu liều. Số vaccine này chỉ có thể tiêm đủ 2 mũi cho 17% dân số châu Phi. “Lục địa Đen” cần thêm 500 triệu liều vaccine COVID-19 để đạt mục tiêu 40% vào cuối tháng 12. Do vậy, giám đốc WHO tại châu Phi Matshidiso Moeti cảnh báo: “Với tỷ lệ này, châu Phi chỉ có thể đạt mục tiêu tiêm đủ vaccine COVID-19 cho 40% dân số vào cuối tháng 3/2022”.
Theo hãng tin AP, trong bản đánh giá hàng tuần về tình hình đại dịch, WHO cho biết, trong tuần qua, trên thế giới có 2,7 triệu ca nhiễm mới, hơn 46.000 trường hợp tử vong. Hiện, Mỹ là nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất thế giới, với hơn 580.000 trường hợp, nhưng vẫn giảm 11% so với trước đó.
WHO cho hay, hai khu vực có tỷ lệ nhiễm cao là châu Âu và Mỹ. Các nước Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là nguyên nhân chủ yếu khiến số ca mắc ở châu Âu tăng. Đây là tuần thứ ba liên tiếp châu Âu ghi nhận số ca mắc mới tăng, khoảng 1,3 triệu ca. Hơn một nửa các quốc gia tại châu Âu có số ca mắc trong tuần tăng. Tại Anh và Nga, số ca nhiễm mới tăng 15%.
Trong tuần qua, Nga liên tục phá kỷ lục về số ca nhiễm mới, trong khi số ca nhiễm ở Anh đã tăng lên mức chưa từng có kể từ giữa tháng 7.
Trong tuần, châu Phi là khu vực có số ca mắc mới giảm mạnh nhất (18%), kế đó là Tây Thái Bình Dương (giảm 16%). Châu Phi cũng là khu vực ghi nhận số ca tử vong giảm nhiều nhất trong tuần (giảm 25%), kế đến là Đông Nam Á (19%) và Đông Địa Trung Hải (8%). Số tử vong ở các khu vực còn lại không thay đổi so với tuần trước đó.
Tính theo từng quốc gia, Mỹ là nước có số ca nhiễm mới trong tuần cao nhất (582.707 ca, giảm 11% so với tuần trước), kế đến là Anh (283.756 ca, tăng 14%).
N.Chiến