Xây dựng mỗi tòa soạn báo chí là một điểm sáng văn hóa, mỗi người làm báo là một nhân cách văn hóa
Báo chí là một phần của văn hóa
Báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đối nội, đối ngoại của mọi quốc gia, dân tộc. Báo chí là một phần của văn hóa và người làm báo góp phần quan trọng để lan tỏa văn hóa.
Ở nước ta, kể từ khi tờ báo Thanh Niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu tiên vào ngày 21.6.1925, trải qua 97 năm, Báo chí Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn đồng hành cùng đất nước và dân tộc, là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, không ngừng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta.
Thực tế thời gian qua cho thấy, tuyệt đại đa số các tác phẩm báo chí của chúng ta đã là một sản phẩm văn hóa, mỗi nhà báo đã là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Tôi tha thiết mong rằng, sau hội nghị này, công tác văn hóa của chúng ta sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Báo chí là một phần của văn hóa và đội ngũ những người làm báo không thể nằm ngoài dòng chảy ấy. Mỗi tác phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa, mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Mỗi nhà báo phải nỗ lực nâng cao chất lượng từng tác phẩm của mình, để xây dựng một nền báo chí vừa giàu tính chiến đấu vừa giàu tính nhân văn, như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nói: “Muốn đi xa thì phải về gần. Hơn lúc nào hết báo chí cần quay về với những giá trị cốt lõi của mình”.
Báo chí văn hóa theo nghĩa đó chính là báo chí vì con người, lấy con người làm trung tâm và vì lợi ích của con người. Theo nhà báo Lại Thúy Hà, phóng viên Báo Văn hóa: “Văn hóa trong báo chí còn thể hiện ở tính tiên phong và góp phần khơi dậy khát vọng Việt Nam, lan tỏa năng lượng tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu và củng cố niềm tin xã hội”. Hai năm vừa qua, tinh thần cống hiến của báo chí trong đại dịch Covid-19 được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Những năm qua, các cơ quan báo chí đều đã có các chương trình, chuyên mục chuyên sâu để tuyên truyền, cổ động các cuộc vận động xây dựng văn hóa ứng xử; phát hiện, cổ vũ cách làm hay, những gương người tốt, việc tốt điển hình, đồng thời phản ánh những thói hư, tật xấu, phê phán những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa... góp phần xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp hơn.
Văn hóa trong báo chí thể hiện ở tính tiên phong và góp phần khơi dậy khát vọng Việt Nam, lan tỏa năng lượng tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu và củng cố niềm tin xã hội
Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí
Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8-4-2020 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới"; Luật Báo chí; Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam... đều coi trọng việc nâng cao văn hóa, đạo đức nghề nghiệp người làm báo, coi đây là một trong những vấn đề sống còn trong hoạt động báo chí.
Nhận thức sâu sắc điều đó, những năm qua, nhiều cơ quan báo chí đã chú trọng xây dựng đội ngũ những người làm báo có lập trường chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp, ý thức phục vụ Đảng, đất nước và nhân dân; có dũng khí đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng; biết vượt qua cám dỗ, thực sự tâm huyết, công tâm, khách quan trong hoạt động nghiệp vụ báo chí. Điều này tạo nên nét đẹp văn hóa cho không chỉ người làm báo mà cả cơ quan báo chí.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ quan báo chí làm tốt công tác giáo dục đạo đức, chính trị tư tưởng cho người làm báo, đề cao văn hóa báo chí, vẫn còn một số tổ chức hội nhà báo chưa thực sự chú trọng công tác này. Đáng tiếc vẫn còn một bộ phận phóng viên thiếu tu dưỡng đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp, có những hành vi tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự. Chỉ tính năm 2021, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam đã xử lý 20 trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trong đó có một số vụ việc hội viên, nhà báo bị bắt vì cưỡng đoạt tài sản. Đây mới chỉ là con số rất nhỏ trong hàng vạn người làm báo, nhưng cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín nghề báo và danh dự của những người làm báo chân chính.
Phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” được kỳ vọng sẽ nhân lên những điểm sáng trong báo chí, để mỗi tòa soạn báo đều là những điểm sáng về văn hóa, mỗi nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Phong trào cũng sẽ góp phần nâng cao “sức đề kháng” của cơ quan báo chí chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài.
Bản chất của phong trào thi đua là tự nguyện, tự giác. Vì vậy, việc phát động Phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” cũng không ngoài mục đích góp phần nhân lên những giá trị tiến bộ, nhân văn trong hoạt động báo chí; qua đó động viên, khích lệ mỗi tòa soạn báo phấn đấu trở thành những điểm sáng về văn hóa, đồng thời góp phần tăng cường, nâng cao “sức đề kháng” của cơ quan báo chí chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài xã hội. Hơn nữa, việc triển khai sâu rộng phong trào này còn là cú hích thúc đẩy đội ngũ những người làm báo Việt Nam thực hiện tốt hơn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh-một người thầy vĩ đại đã khai sáng nền báo chí cách mạng Việt Nam.
THANH NHÂN