An Giang: Lợi dụng việc xin phép cải tạo đất trồng dược liệu trị bệnh cứu người để xây dựng “biệt phủ” trái phép trên núi Sập
“Hiện trạng công trình mà người dân sở tại ví như “khu biệt phủ” ông Thành đã ngang nhiên xây dựng trái phép trên lưng núi Sập”.
Qua tìm hiểu, phóng viên ghi nhận: công trình trái phép này là 2 căn nhà (chưa xác định đầy đủ diện tích) có quy mô khá lớn so với nhu cầu sinh hoạt thông thường của một hộ gia đình - nhiều người dân sở tại ví von như một “khu biệt phủ” trên lưng núi Sập.
Phần đất xây dựng có diện tích ngang 62m, dài 40m, toạ lạc bên lề đường lên chùa Duyên Phước trên núi Sập, thuộc khóm Đông Sơn 2, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn. Khu đất này là đất lâm nghiệp, chính quyền chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho cá nhân, hộ gia đình hoặc tổ chức, doanh nghiệp nào.
Theo báo cáo của UBND thị trấn Núi Sập, trên thực tế phần đất này trước năm 1975 do ông Trần Văn Kiệu sử dụng, đến năm 2000 ông Kiệu chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Trúc và đến năm 2006 ông Trúc sang nhượng cho ông Trương Văn Thành (sinh ngày 01/01/1973). Khi ông Trúc chuyển nhượng qua ông Thành thì địa hình khu đất vẫn còn tương đối bằng phẳng.
Thế nhưng, ngày 30/8/2021 ông Thành gửi “Đơn xin phép về việc cải tạo, sửa chữa lại diện tích đất núi để tạo mặt bằng trồng cây rừng, cây dựng liệu và làm nhà tiền chế để bảo quản nguồn dược liệu” đến UBND thị trấn Núi Sập và Phó Chủ tịch UBND thị trấn Núi Sập - Tô Hoài Nam, đã bút phê xác nhận chấp thuận cho đương sự được thực hiện theo nội dung đơn xin phép. Theo ông Tô Hoài Nam, việc chấp thuận cho đương sự thực hiện theo nội dung đơn xin phép là “nhằm tạo điều kiện cho việc hốt thuốc từ thiện cứu người trong và ngoài địa bàn”.
Tuy nhiên, chỉ hơn 2 tháng sau khi chấp thuận cho ông Thành cải tạo đất núi trồng cây rừng, dược liệu và cất nhà tiền chế bảo quản dược liệu, ngày 03/11/2021 UBND thị trấn Núi Sập cử cán bộ đến kiểm tra mới vỡ lỡ hiện trạng xây dựng là 2 căn nhà với đầy đủ khung bê tông, tường gạch, mái lợp tol, nền gạch men và phía trước có hàng rào kè đá, cổng sắt, cột bê tông, sân lát gạch vỉa hè…
“Sau khi có dư luận phản ứng rầm rộ, “khu biệt phủ” trái phép này đã được gắn thêm một cái bảng hiệu “Duyên Phước Tự” mang màu sắc tôn giáo”.
Trong một văn bản báo gần đây (14/2/2023), cũng do ông Tô Hoài Nam ký, đã cho thấy tình trạng thiếu hiệu lực, hiệu quả trong quá trình thực thi trách nhiệm quản lý địa bàn và xử lý vụ việc này khi nêu rõ rằng: sau khi kiểm tra, phát hiện ông Thành cố tình xây dựng sai so với nội dung đơn xin phép thì UBND thị trấn Núi Sập có cử các cán bộ chức năng đến trao đổi sự việc, giải quyết và yêu cầu thực hiện đúng như đơn xin phép nhưng công trình vẫn tiến hành và hoàn thiện như hiện trạng hiện nay.
Điều đáng lưu ý, quá trình xử lý vụ việc này kéo dài trong suốt hơn 2 năm qua nhưng không thể hiện rõ nét mối quan hệ phối hợp công tác trong thực thi trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo vệ môi trường sinh thái giữa UBND thị trấn Núi Sập với các cơ quan chuyên môn cấp huyện, như: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế hạ tầng,…. Do đó, sự vụ đã không được xử lý kịp thời, dứt điểm, tạo tiền lệ xấu trong quản lý tài nguyên và môi trường tại địa phương, gây bức xúc trong dư luận. Thậm chí, có dư luận đồn đoán rằng: sở dĩ chính quyền địa phuơng không thể giải quyết được trong suốt thời gian qua là do công trình trái phép này có liên quan tới một cán bộ lãnh đạo tại địa phương (hiện đã nghỉ hưu).
Ngày 24/3/2023, trao đổi với phóng viên về sự vụ này ông Dương Ngọc Lắm, Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn, cho biết đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành thanh tra công trình nói trên nhưng chưa có kết luận vì vậy dư luận cho rằng công trình này có liên quan đến một cán bộ lãnh đạo địa phương cũng chưa được xác thực.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và ghi nhận về quy trình triển khai xử lý dứt điểm vụ xây “biệt phủ trái phép” này theo quy định pháp luật, lập lại trật tự quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương từ phía chính quyền và cơ quan chức năng.
VĨNH SƠN - LONG VIỆT