Bạc Liêu: Xảy ra 38 vụ sạt lở từ năm 2015 đến nay
Trong đó, năm 2023, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra nghiêm trọng nhất: 8 đợt; tổng số nhà bị thiệt hại 209 căn, số nhà bị ảnh hưởng 99 căn; tổng chiều dài sạt lở 414,5 m.
Các đợt, điểm, khu vực bị sạt lở, ảnh hướng lớn như: Sạt lở bờ sông tại Công ty TNHH MTV Thủy sản Trường Phúc (ấp Canh Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải). Chiều dài sạt lở 59 mét; chiều rộng sạt lở 20 mét; tổng diện tích bị sạt lở: 1.180 m2.
Vụ sạt lở mới nhất ở tỉnh Bạc Liêu. |
Điển hình là vụ sạt lở bờ sông Gành Hào (vị trí xảy ra tại Công ty TNHH Dương Lộc Tiến, ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), cách Cảng cá Gành Hào khoảng 70 mét theo hướng từ Cảng cá đi về UBND thị trấn Gành Hào, với chiều dài sạt lở 65 m; chiều rộng sạt lở 27 mét; tổng diện tích bị sạt lở 1.755 m2.
Hoặc vụ sạt lở bờ phía Bắc sông Cà Mau - Bạc Liêu thuộc địa bàn xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Tổng số nhà bị sụp một phần và xuất hiện các vết nứt là 104 căn, với 375 nhân khẩu sinh sống tại đó. Tổng chiều dài đoạn sạt lở và có nguy cơ sạt lở khoảng 520 m; chiều dài khu vực có nguy cơ sạt lở khoảng 455 m.
Riêng, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thị xã Giá Rai, huyện Hồng Dân và thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đã xảy ra nhiều đợt lún đất, sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân sống tại khu vực này...
Các cơ quan chức năng thị sát khu vực sạt lở tại Bạc Liêu tháng 8/2024. |
Để hạn chế sạt lở, giảm nhẹ thiệt hại, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 20/1/2021: “Thực hiện đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030”.
Trước tình hình sạt lở, sụt lún đất xảy ra ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp, các khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh hiện nay đã phát sinh thêm nhiều hơn so với kế hoạch trước đây, do đó Ủy ban nhân dân tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 20/1/2021 các vị trí sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh, cụ thể có tổng số 77 khu vực sạt lở bờ sông và 6 khu vực sạt lở bờ biển; tổng chiều dài sạt lở 596,9 km và tỉnh đã xác định có 50 danh mục dự án, công trình cần đầu tư đến năm 2030, với tổng nguồn kinh phí dự kiến là 28.035 tỷ đồng.
Việc tổng hợp các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đã hoàn thành và đã có kế hoạch đầu tư xây dựng bằng các nguồn vốn từ năm 2020 đến nay. Cụ thể một số công trình phòng, chống sạt lở bờ biển đã hoàn thành từ năm 2020 đến nay như: Đoạn đoạn kè cấp bách xử lý sạt lở nối tiếp dự án kè trồng rừng huyện Đông Hải dài 825,5m; dự án kè chống xói lở bờ biển Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu (Giai đoạn 2) dài 1.183m; dự án xử lý xói lở và gia cố lòng sông thị trấn Gành Hào (đoạn tiếp giáp cảng cá Gành Hào) huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, đã xây dựng hoàn thành, còn đang trong giai đoạn công tác kiểm tra nghiệm thu để đưa công trình vào sử dụng.
Nhiều vụ sạt lở đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân tỉnh Bạc Liêu. |
Ngoài ra, còn có các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đang triển khai thi công xây dựng gồm: Đoạn kè chống xói lở bờ biển Vĩnh Trạch Đông - Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, dài 4.251m; dự án xây dựng kè chống ngập dọc tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu, tổng chiều dài xây dựng tuyến kè khoảng 13,317km (2 giai đoạn)...
Ngân sách tỉnh Bạc Liêu còn gặp nhiều khó khăn, chưa cân đối được nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông; chống ngập đê sông trên địa bàn tỉnh theo như Kế hoạch nêu trên đã đề ra. Do đó, tỉnh Bạc Liêu đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét hỗ trợ cho tỉnh ngân sách để thực hiện dự án đầu tư đối với 5 khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách và phòng chống triều cường, bảo vệ sản xuất với tổng chiều dài 79,674 km (trong đó kè chống sạt lở dài 13,674 km; xây dựng hệ thống đê sông và công trình để phòng chống triều cường dài 66km)…