Bảo vệ môi trường trách nhiệm của doanh nghiệp
Để biết rõ hơn về những nỗ lực đó cùng những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải trong hành trình này, Sức khỏe & Môi Trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hưng, CEO của Sàn Thương mại điện tử Năng lượng Việt Nam (Repower.vn) như sau:
PV: Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về sự cần thiết để giảm phát thải khí nhà kính và trách nhiệm của doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Việt Hưng: Giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng cường phát triển năng lượng tái tạo và thúc đẩy các giải pháp xanh là xu hướng tất yếu của các thành phố trong tương lai, góp phần đưa Việt Nam tiến gần hơn các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính đã được Chính phủ Việt Nam cam kết tại COP 26. Để đạt được mục tiêu này, cần vào sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đầu ngành trong việc chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật, cơ chế chính sách của Nhà nước về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng Carbon thấp, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, ứng dụng các giải pháp quản lý, kỹ thuật thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp thuộc diện bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính ngay trong năm 2024; xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính; báo cáo kết quả kiểm kê, cũng như thực hiện đăng ký theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ Carbon trong các năm tiếp theo cho đến 2027.
Từ tháng 10/2023, Liên minh Châu Âu EU áp hàng rào liên quan đến thuế Carbon. Nếu doanh nghiệp không bù trừ Carbon, sản phẩm không xuất khẩu được vào Châu Âu. Do đó, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, Netzero trong sản xuất là sự sống còn chứ không còn là sự lựa chọn hay trách nhiệm.
Ông Nguyễn Việt Hưng, CEO của Sàn Thương mại điện tử năng lượng Việt Nam (Repower.vn) |
PV: Cụ thể, doanh nghiệp mình đã làm những hoạt động gì để góp phần vào lộ trình giảm phát thải khí nhà kính, thưa ông?
Ông Nguyễn Việt Hưng: Các công ty thành viên trong hệ sinh thái của chúng tôi cam kết Netzero vào 2045. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung chính vào mục tiêu “chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng” và thúc đẩy thương mại cho Năng lượng tái tạo bằng việc thành lập sàn Thương mại điện tử Năng lượng Việt Nam (repower.vn). Đây là sàn về năng lượng duy nhất hiện nay tại Việt Nam được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động Thương mại điện tử tháng 2/2021 và chính thức ra mắt nền tảng mới 4.0 vào cuối tháng 7/2022.
Với sứ mệnh góp phần khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả, thúc đẩy mục tiêu sử dụng năng lượng sạch, REPOWER đã thiết kế, xây dựng mô hình kinh doanh trên nền tảng số cho cộng đồng năng lượng. Sàn REPOWER là thị trường hai chiều với mô hình B2B2C. REPOWER xây dựng mô hình Trung tâm Thương mại Năng lượng trực tuyến, với đa dạng các sản phẩm dịch vụ từ các nhà cung cấp uy tín, thuộc các nhóm ngành gồm: Điện mặt trời, điện gió, giải pháp lưu trữ điện, giải pháp tiết kiệm điện, Trạm sạc xe điện xanh và giao dịch tín chỉ Carbon, i-REC. Thời gian qua, với mô hình B2B, chúng tôi đã giao dịch hàng trăm ngàn tín chỉ năng lượng tái tạo (i-REC) theo đặt hàng của các tổ chức quốc tế. i-REC rất đa dạng từ điện mặt trời, điện gió tới thủy điện nhỏ.
Tín chỉ Carbon được đánh giá là tài nguyên hấp dẫn trong bối cảnh cả thế giới đi theo xu hướng phát triển kinh tế bền vững. Rất nhiều nhà đầu tư đang có mong muốn nắm giữ tín chỉ Carbon như một tài sản và hy vọng tiềm năng tăng giá trong tương lai. Chúng tôi đang tiếp tục nâng cấp công nghệ để modun này trở thành một sàn giao dịch tín chỉ Carbon chuyên nghiệp tích hợp trong REPOWER. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy thị trường tín chỉ Carbon CDM, GS, VCS theo cơ chế tự nguyện, vừa giúp doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, vừa đem về nguồn ngoại tệ cho Việt Nam.
Sàn Thương mại điện tử năng lượng Việt Nam (Repower.vn) |
PV: Vậy khi tham gia vào quá trình giảm phát thải khí nhà kính, theo ông doanh nghiệp nói chung đang gặp những khó khăn, thách thức nào?
Ông Nguyễn Việt Hưng: Theo tôi thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ đô la Mỹ cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng “0”. Trong đó, hành trình khử Carbon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực. Tuy nhiên, khu vực công sẽ chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu; trong khi thị trường tài chính xanh hiện mới ở giai đoạn đầu phát triển, nguồn lực huy động qua thị trường tài chính xanh ở mức rất nhỏ bé so với nhu cầu đặt ra.
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho việc giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc phát huy nội lực, Việt Nam cần tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực của các doanh nghiệp tư nhân và sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
PV: Ông có đề xuất gì với các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc giảm phát thải khí nhà kính?
Ông Nguyễn Việt Hưng: Đây là vấn đề cần sự phối hợp của nhiều Bộ ngành, địa phương. Tuy nhiên, hiện nay chỉ duy nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra được Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT hướng dẫn Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Với vai trò là cơ quan đầu mối, tôi mong rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành danh mục các công nghệ ít phát thải Carbon; định mức phát thải theo từng lĩnh vực, sản phẩm…Nghiên cứu cơ chế phát triển, xây dựng thị trường Carbon theo hướng hội nhập quốc tế, dễ dàng thương mại tín chỉ Carbon, trao đổi, bù trừ hạn ngạch phát thải khí nhà kính đảm bảo minh bạch, khách quan, công bằng phù hợp với cung cầu thị trường. Xây dựng chế tài, chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sử dụng công nghệ xanh, giảm phát thải, năng lượng tái tạo. Đồng thời tăng mức xử phạt khi các tổ chức, doanh nghiệp không thực hiện đúng và theo các quy định về báo cáo kiểm kê khí nhà kính, kế hoạch giảm nhẹ phát thải. Xây dựng cơ chế khuyến khích các công ty, đơn vị chưa phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính tham gia triển khai các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính; Tạo cơ chế cho việc xã hội hóa các hoạt động R&D, ứng dụng các công nghệ mới nhất của thế giới giúp giảm phát thải khí nhà kính trong 3 lĩnh vực chính là: năng lượng, giao thông và nông nghiệp.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!