Bệnh việt Mắt Thái Nguyên: Nhiều ca mổ mắt không thành công
Vừa qua, tòa soạn Sức khỏe & Môi trường điện tử nhận được nhiều “ca - kíp” phẫu thuật mắt, mổ mắt… không thành công của bệnh viện Mắt Thái Nguyên.
Cụ thể, ông Nguyễn Đức Thu (SN 1955, trú Thượng Đình, huyện Phú Bình) đến Bệnh viện Mắt Thái Nguyên để khám và mổ mắt vào ngày 15/01. Do có sự cố trong “ê-kip” mổ dẫn tới bị sót nhân ở trong tinh thể mắt gây ảnh hưởng tới hồng đào và có nguy cơ không nhìn được.
Bệnh nhân Thu được Bệnh viện Mắt Thái Nguyên chuyển xuống Bệnh viện Mắt Trung Ương để cắt và điều trị tiếp ngay sau đó. Đến nay mắt của ông Thu vẫn không nhìn thấy gì và có nguy cơ bị mù hoàn toàn.
Bệnh viện mắt Thái Nguyên.
Theo ông Thu, ca mổ của ông là do bác sỹ Quỳnh thực hiện. Sau khi mổ sót nhân, các y bác sỹ ở Bệnh viện Mắt Thái Nguyên có nói mắt của ông Thu sẽ tự khỏi. “Mắt mổ của tôi giờ không nhìn thấy gì (mắt trái), mắt bên phải của tôi cũng bị ảnh hưởng, rất khó nhìn. Việc này tôi đã thông báo, gọi điện cho bác sỹ Quỳnh ở Bệnh viện Mắt Thái Nguyên nhưng vẫn không được phản hồi”, ông Thu cho biết.
Trong khi đó cháu Lê Duy Khánh (SN 2016, trú TT Giang Tiên, huyện Phú Lương) 4 lần phẫu thuật mắt ở Bệnh viện Mắt Thái Nguyên cũng không thành công. Tháng 7/2018, anh Hùng (bố cháu Khánh) có đưa cháu xuống Bệnh viện Mắt Thái Nguyên để kiểm tra, và phẫu thuật mắt. Sau khi được kiểm tra, các y bác sỹ ở Bệnh viện Mắt Thái Nguyên đã tiến hành phẫu thuật đến nay đã 4 lần nhưng bệnh của cháu Lê Duy Khánh vẫn không khỏi.
Theo anh Hùng: “Mắt cháu bị rạch ra nhưng các bác sỹ không tiêm thuốc mê. 4 lần phẫu thuật, rạch mắt các bác sỹ đều yêu cầu tôi phải mua cùng một loại thuốc giống nhau ở cổng Bệnh viện nhưng 4 lần mua là 4 lần tiền khác nhau? Đã nhiều lần tôi hỏi các y bác sỹ ở Bệnh viện Mắt Thái Nguyên là nếu không chữa khỏi bệnh cho con tôi thì tôi còn đưa cháu lên tuyên trên để chữa trị, nhưng các bác sỹ vẫn giữ yêu cầu và khuyên tôi chữa trị ở đây”.
Cũng giống như ông Thu, ông Lê Văn Ngọc (trú tại xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) cũng được mổ đục thủy tinh thể bằng phương pháp phaco tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên nhưng không thành công.
Trao đổi với PV, ông Ngọc cho hay: “Trước khi được mổ mắt tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên tình trạng mắt trái của tôi mờ, không nhìn rõ mọi vật xung quanh. Ngày 8/10/2018, sau khi khám ở Bệnh viện Mắt Thái Nguyên các bác sĩ chẩn đoán mắt trái của tôi bị đục thủy tinh thể và được chỉ định mổ bằng phương pháp phaco tại đây, người trực tiếp mổ cho tôi là bác sĩ Nguyên Văn Hữu, Phó Giám đốc bệnh viện.
Ông Lê Văn Ngọc cũng được mổ đục thủy tinh thể bằng phương pháp phaco tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên nhưng không thành công.
Trong thời gian tôi nằm điều trị sau hậu phẫu, mắt của tôi rất đau và nhức, bác sĩ trực tiếp mổ và điều trị cho tôi không hề tới thăm hỏi hay khám lại, cũng không hề cho tôi sử dụng loại thuốc gì ngoài một lọ thuốc nhỏ mắt. Sau khi được xuất viện, bác sĩ chỉ kê 1 lọ thuốc nhỏ mắt đồng thời hẹn một tuần tái khám... Khi về nhà điều trị, mắt trái của tôi đã có triệu chứng đau nhức nhiều hơn trước và mờ dần.
Sau một tuần, tôi đã đến Bệnh viện Mắt khám lại, nhưng bác sĩ khám bảo mắt tôi ổn rồi không phải nằm điều trị nữa. Nhưng khi ở nhà những cơn đau nhức ngày càng tăng, mắt trái của tôi không thể nhìn thấy gì nữa... Lo lắng nên tôi đã đến khám tại Khoa mắt Bệnh viên A Thái Nguyên nhờ khám lại và điều trị. Bác sĩ tại đây thông báo con mắt trái của tôi giờ chỉ như cái bóng đèn mờ mà sắp bị đứt hết dây tóc bên trong, khó phục hồi.
Bà Hoàng Thị Chinh (65 tuổi, trú xã Tân Đức, huyện Phú Bình, Thái Nguyên), được chỉ định phẫu thuật do đục thủy tinh thể. “Ngày 13/1/2019, sau ca phẫu thuật do bác sĩ Ngô Văn Tập, Bệnh viện Mắt Thái Nguyên trực tiếp mổ tôi được cho về phòng điều trị nằm nghỉ hồi phục. Đến 22h cùng ngày tôi thấy mắt tôi đau nhức, vì vậy tôi đã bảo con dâu gọi bác sĩ vào khám lại cho tôi, nhưng không một bác sĩ nào đến khám cả. Đến sáng hôm sau, mắt tôi đau dữ dội không thể chịu được nữa, thì lúc đấy bác sĩ mới đến khám cho tôi. Sau khi kiểm tra, bác sĩ đã chuyển tôi lên bệnh viện tuyến trên (bệnh viện mắt Trung ương) ở Hà Nội để điều trị. Tại đây, các bác sĩ đã chẩn đoán mắt tôi bị “Viêm mủ nội nhãn” và mắt của tôi phải phẫu thuật lần nữa, nhưng không nhìn thấy gì nữa.
Được biết, Bệnh viện mắt Thái Nguyên luôn là địa chỉ đáng tin cậy của người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung trong việc khám, chữa và phẫu thuật. Bệnh viện đã lấy lại thị lực cho rất nhiều bệnh nhân bị đục thủy tinh thể bằng phương pháp mổ Phaco. Thế nhưng, từ năm 2018 trở lại đây không hiểu vì trình độ chuyên môn hay lý do gì, một số bác sĩ của Bệnh viện đã mổ nhiều ca đục thủy tinh thể không thành công dẫn đến tình trạng mắt của bệnh nhân bị viêm, nhiễm trùng, buộc bệnh nhân phải chuyển tuyến trên để mổ lại với tia hy vọng rất nhỏ nhoi. Điều đáng buồn là nhiều người đã bị mù vĩnh viễn, vì thị lực không thể hồi phục.
Liên quan đến vụ việc, PV đã liên hệ với Ban Giám đốc Bệnh viện Mắt Thái Nguyên, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên để làm rõ những thông tin bạn đọc phản ánh.
Để tránh xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc như những bệnh nhân trên, tòa soạn Sức khỏe & Môi trường điện tử đề nghị các đơn vị chuyên môn, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cần sớm vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên, nhằm đem lại sự công bằng cho các bệnh nhân, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và chất lượng chuyên môn chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Sức khỏe & Môi trường điện tử sẽ tiếp tục thông tin về sự việc
Nguyễn Cường – Đinh Linh