Bí mật sau cốc trà sữa giá rẻ: Những túi trân châu "dạo" liệu có an toàn?
Túi hạt trân châu mà Pv mua được
Đục, bở và không nhãn mác
Tại chợ Nghĩa Tân, trong vai một người tìm mua nguyên liệu để mở quán đồ ăn vặt, PV tìm mua hạt trân châu để làm trà sữa thì được một người phụ nữ tên A. xởi lởi chào mời: “Cháu muốn mua loại nào, cô có hạt màu trắng và màu đen…”. Vừa nói, người bán hàng vừa tìm túi đựng hạt trân châu trong gian hàng nhỏ của mình. Kiốt nhỏ nhưng bày rất nhiều nguyên liệu, loại này đè lên loại kia, không ngay ngắn.
Thắc mắc tại sao những túi hạt này không có nhãn mác, không hạn sử dụng thì biết “đường nào mà lần”, bà A. vừa cười vừa giải thích: “Cháu yên tâm, hàng nhà cô là hàng mới, đảm bảo luôn, cháu mua về có mà để cả năm cả tháng cũng chẳng sao, đừng quăng quật là được, không sao đâu…” ?!.
Nghi ngờ về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của những hạt trân châu này, PV dò hỏi về nơi sản xuất, thì bị bà A. mắng: “Mua có mấy mà hỏi lắm vậy, yên tâm là cô bán cho rất nhiều cửa hàng bán chè, trà sữa trân châu ở quanh khu vực này, mà bán lâu lắm rồi đấy, hàng uy tín, có ai kêu ca gì đâu…Cháu về luộc nó lên, khoảng 20 – 30 phút thì hạt này sẽ chuyển sang màu đen, ăn hơi dai, vừa mềm chín tới là được.”
Theo ghi nhận của PV, những túi hạt trân châu đó đều được đựng trong những bao bì loại 5 kg – 10kg, tất cả đều không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Cầm một túi hạt trà sữa được bày bán ở gian hàng bà A. PV nhận thấy nơi sản xuất chỉ ghi là Thái Bình chứ không ghi rõ cơ sở sản xuất nào.
Theo chia sẻ của một người bán trà sữa trân châu dạo tại chợ Nhà Xanh (Xuân Thủy – Cầu Giấy), mỗi túi hạt trà sữa trân châu có số lượng khoảng 1kg có thể làm từ 50 cốc hoặc hơn. Tùy vào số lượng hạt cho vào mỗi cốc. Bởi khi luộc chín, hạt trà sữa trân châu sẽ trương nở, nên không cần phải cho vào trà sữa quá nhiều.
Không đảm bảo vệ sinh thực phẩm
PV mua một túi hạt trà sữa tại một cửa hàng bán đồ khô ở chợ Nghĩa Tân, sau đó về thử nghiệm cách chế biến một ly trà sữa.
Túi hạt trà sữa có màu nâu, rất bở và vỡ vụn. Nấu một nồi nước, sôi khoảng 90 độ, PV cho một ít hạt trân châu vào, chờ nước sôi hẳn, rồi bắt đầu dùng đũa quấy nhẹ lên. Những hạt trân châu được luộc bắt đầu sủi bọt tăm, đen đục.
Chỉ sau thí nghiệm nhỏ, câu hỏi được đặt ra là liệu cách sản xuất những hạt trân châu tại các cơ sở có đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hay không? Tại sao lại sủi bọt tăm màu đen, đục quánh. Những hạt trân châu để “cả năm cả tháng” liệu có bị mốc?
Nói về nguy cơ độc hại của những hạt trân châu trong cốc trà sữa giá rẻ, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội ) cho biết: “Thực tế hạt trân châu được làm bằng bột sắn tinh lọc, nó là tinh bột, người sản xuất có thể cho thêm những màu sắc như đỏ, xanh, vàng để trông bắt mắt hơn, phù hợp với sở thích của khách hàng. Nếu nói về việc ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng thì chắc chắn là có, bởi khi sử dụng phẩm màu, nếu không phải loại được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm thì việc sức khỏe bị ảnh hưởng là điều không tránh khỏi. Ngoài ra, còn phải kể đến việc sản xuất, bảo quản có đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, có bị mốc hay không ?.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội)
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cảnh báo: “Việc sử dụng hương liệu và phẩm màu thực phẩm quá mức cho phép có thể gây ngộ độc cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ nhỏ, đối tượng rất thích trà sữa trân châu. Trẻ nhỏ có bộ máy tiêu hóa còn rất nhạy cảm, việc hấp thu những loại thực phẩm này không an toàn, thậm chí có thể ảnh hưởng tới sức khỏe như ngộ độc, nôn, tiêu chảy, thậm chí nhiều em có thể bị sặc, ngạt nếu bị sặc hạt trân châu.
Hồng Nhung