Bình Chánh: Một cơ sở sản xuất giấy khiến người dân “than trời”!
Thực hiện chuyên đề “tuyên truyền, phản biện về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Bình Chánh” nhằm phổ biến những chính sách, quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đến từng người dân, doanh nghiệp. Đồng thời phát hiện những đơn vị cố ý gây ô nhiễm môi trường, làm rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp, đưa ra những giải pháp tháo gỡ để mang lại một môi trường Xanh – Sạch – Đẹp.
Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường, nhận được nhiều phản ánh của người dân về tình trạng môi trường trong khu dân cư đang bị đe dọa.
Anh T.V.G trú tại ấp 3, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh bức xúc về một xưởng sản xuất giấy trên địa bàn thường xuyên xả thải ra con kênh ở phía sau nhà, gây ô nhiễm nguồn nước, tạo mùi hôi thối khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân sinh sống gần nơi đây.
Bên trong xưởng sản xuất giấy gây ô nhiễm môi trường tại ấp 3, xã Lê Minh Xuân
Anh cho biết, gia đình anh đã sống sát con kênh này đã hơn 20 năm nhưng từ khi xưởng làm giấy này xuất hiện, anh và nhiều gia đình khác đã phải chịu cảnh sống chung với mùi thối khó chịu, dòng nước chuyển từ màu vàng sang màu đen, mỗi lần mùa mưa đến, nước dâng lên tràn vào nhà khiến cuộc sống của những hộ dân ở gần con kênh này bị đảo lộn.
Qua tìm hiểu của phóng viên, cơ sở làm giấy này là công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Nhất Hoàng đóng tại địa chỉ 321-323 Lê Đình Chi, Ấp 3, Xã Lê Minh Xuân, Huyện Bình Chánh. Ghi nhận tại hiện trường, PV nhận thấy cơ sở này đã có dấu hiệu xả thải trực tiếp ra môi trường bên ngoài.
Một lỗ cống từ công ty Nhật Hoàng cho thoát trực tiếp nước thải có màu đen ra con kênh
Dòng nước có màu đen kịt kèm theo mùi hôi thối bốc lên gây cảm giác khó thở
Bụi khói bám đen vào cây cối gần cột khói
Cùng chung nỗi bức xúc, chị L.T.T sống bên cạnh công ty Nhật Hoàng trải lòng: “bản thân đang mang trong người căn bệnh ung thư, tôi không khẳng định cơ sở này làm mình bị ung thư nhưng tôi chắc chắn đây là một trong những tác nhân khiến tôi mang bệnh. Hằng ngày, mùi các loại hoá chất theo chiều gió bay trong không khí, trời càng nắng to mùi càng nồng nặc. Cho dù nhà đóng kín cửa nhưng vẫn không hết mùi.
Một vạt rừng phòng hộ chết khô vì chất thải từ xưởng sản xuất giấy
Một đường ống dẫn chất thải rắn xả thải ra rừng phòng hộ
Theo chân của người dân, phóng viên tòa soạn Sức khỏe và Môi trường còn phát hiện ra một bãi chất thải màu trắng cùng với một đường ống dẫn chất thải rắn được chôn lấp ngay trong khu vực rừng phòng hộ của Bộ Quốc phòng.
Đập ngay trước mắt chúng tôi là một bãi sình lầy màu trắng, có mùi hắc của hóa chất, cây cối nằm trên khu vực này đã bị cháy khô và không còn khả năng sinh sống.
Bãi chất thải từ xưởng sản xuất giấy làm chết cháy một vạt rừng phòng hộ
Để có thông tin đa chiều, chúng tôi đã liên hệ với anh Hoàng là chủ doanh nghiệp trên. Khi phóng viên đặt câu hỏi về tình trạng như người dân phản ánh thì anh Hoàng có thái độ rất hung hăng và thách thức “Khói tôi xả lên Trời, ở cái Bình Chánh này có biết bao cột khói như vậy!”
“Sống mòn” trong ô nhiễm
Theo danh mục loại hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP được chia thành 3 mức độ thì ngành công nghiệp sản xuất bột giấy, sản xuất giấy từ nguyên liệu tái chế hoặc sinh khổi được xếp vào mức độ 1. Tức là ngành công nghiệp này có tác động vô cùng lớn đến môi trường.
Trong ngành công nghiệp giấy, ô nhiễm không khí do mùi phát ra từ hợp chất lưu huỳnh khử như hydro sunfua, metylmercaptan, Dimethly sunfua cùng các chất dạng như SO2, NOx trong khí thải. Những chất thải từ hợp chất hóa học này ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến sức khỏe của người hít phải.
Bên cạnh đó, các thành phần trong nước thải chứa nhiều chất rắn lơ lửng, màu, bọt, hợp chất hữu cơ, vô cơ. Nước thải đầu ra chứa BOD, COD cao nên khi xả thải nếu không xử lý thì sẽ dễ làm hư hỏng, ô nhiễm nguồn nước.
Vậy mà, các hộ dân ở gần khu vực này vẫn ngày đêm sống trong một môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng như vậy, tính mạng và sức khỏe của người dân đang đặt trong sự báo động cao, tiềm ẩn nhiều căn bệnh hiểm nghèo mà cơ sở sản xuất giấy này đem lại.
Phải chăng họ đang “sống mòn” với một môi trường bị ô nhiễm mà không được chính quyền các cấp bảo vệ.
Để làm rõ đơn kêu cứu của người dân, phóng viên Sức khỏe và Môi trường sẽ tiếp tục làm việc với chính quyền địa phương và sẽ thông tin lại cho bạn đọc vào bài viết tiếp theo.
Đình Thanh – La Tâm